top-banner-2

Thứ bảy, 14/09/2013, 16:25 GMT+7

"Cánh đồng liên kết": Mô hình Đồng Tháp

Thứ bảy, 14/09/2013, 16:25 GMT+7

"Cánh đồng liên kết" đang được thí điểm tại Đồng Tháp là một mô hình phát triển nông nghiệp nhiều triển vọng.

Là một tỉnh không có cảng biển, không có sân bay nên Đồng Tháp chọn cách tái cơ cấu kinh tế bằng nông nghiệp. Trong đề án xây dựng (lộ trình đến năm 2020, 2030), Đồng Tháp đã đề cập đến việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng lấy hiệu quả làm chính, tái cơ cấu đầu tư hạ tầng, địa bàn, tổ chức nông thôn...

Trong đó, mô hình "Cánh đồng liên kết" với việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) với người nông dân thông qua các hiệp hội ngành hàng là mục tiêu quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát tirển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, khác với "Cánh đồng mẫu lớn" (tỉnh An Giang đã triển khai từ nhiều năm nay) nhấn mạnh đến phương thức sản xuất, hướng đến quy mô sản xuất lớn, còn "Cánh đồng liên kết" nhấn mạnh đến yếu tố hợp tác giữa người sản xuất và mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, giữa nông dân và DN.

Mô hình này khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi cho việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành, cơ giới hóa, thủy lợi hóa...

Ông Hùng cho biết, qua 3 năm thí điểm, hiện tỉnh đã thành công bước đầu với mô hình "Cánh đồng liên kết", được nông dân và DN tham gia tích cực và hiệu quả. Tổng diện tích đất cho sản xuất lúa của Đồng Tháp là 220.000ha.

Nếu như năm 2011 tỉnh tổ chức thực hiện liên kết được 2.400ha ruộng, năm 2012 tăng lên 17.000ha thì đến nay, đã vận động và hướng dẫn bà con nông dân hình thành hơn 110 "Cánh đồng liên kết" ở 8 huyện với diện tích hơn 43.000ha.

Chỉ riêng việc hợp tác với Công ty Tân Hồng (thuộc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang), số lượng bà con nông dân và diện tích đất canh tác đã tăng gấp 7 lần tính từ vụ Đông Xuân 2011 đến 2012.

Trên các "Cánh đồng liên kết", nông dân được hỗ trợ chọn giống, gieo sạ, bón phân, phun thuốc... Nông dân có nhu cầu sẽ được DN đầu tư 100% thuốc bảo vệ thực vật và 50% phân bón. Đến khi thu hoạch lúa, DN tổ chức phương tiện thu gom về các kho trữ 30 ngày mà không phải chịu chi phí để chờ giá.

Mô hình này đã thu hút 3 DN tham gia mua lúa của nông dân với giá cao hơn giá thị trường trung bình 250 đ/kg. Trong đó, Công ty Tân Hồng đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá thấp hơn so với giá thị trường.

Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên tổ chức thu mua và trữ lúa cho nông dân chờ tăng giá... Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp là loại bỏ dần khâu trung gian (thương lái) để tiến tới DN trực tiếp thu mua nông sản trong dân theo hợp đồng đặt hàng.

Không chỉ vậy, DN sẽ lo cả đầu vào cho nông dân, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản. Quan trọng hơn, nông dân sẽ được tham gia cổ phần với DN để chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng.

Đánh giá về mô hình "Cánh đồng liên kết" của tỉnh Đồng Tháp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng, đó là một mô hình mới, cách làm mới, một sự thay đổi tư duy chủ động.

Theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, việc cơ cấu lại nông nghiệp của Đồng Tháp không đồng nghĩa với việc bỏ chỉ đạo của Trung ương là không làm công nghiệp mà làm theo một phương thức mới và theo tiềm năng thực tế đang có của một tỉnh không có cảng, không có sân bay, chủ yếu là có nước và đất.

"Nếu dự án này thành công, người ta sẽ thấy một hướng công nghiệp hóa rất mới cho ĐBSCL. Nên việc làm của Đồng Tháp cũng là thí điểm của đồng bằng sông Cửu Long và là thí điểm của ngành nông nghiệp cả nước. Mô hình này nếu thành công sẽ là một cuộc cách mạng cho ngành nông nghiệp Việt Nam", ông Dưỡng nhận định.

DNSG

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

"Cánh đồng liên kết": Mô hình Đồng Tháp

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc