Cách mạng 4.0 trong mắt người Việt Nam ra sao? |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 20/04/2017, 09:06 GMT+7 |
Cách mạng 4.0 đã trở thành từ khoá được lập đi lập lại trong suốt thời gian gần đây. Nói nhiều về nó nhưng thực sự người ta hiểu cuộc cách mạng này được bao nhiêu? Các góc nhìn dường như chỉ là thầy bói xem voi!
Cách mạng công nghiệp 4.0 là một từ khóa được vào danh sách "hot trend" trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, đây là xu hướng tất yếu, cũng là cơ hội, mà theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp nhận định, ngàn năm có một để Việt Nam "hoá rồng". Do đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu phải "bắt sóng" cho kỳ được.
Chi phí sản xuất được dự báo sẽ rẻ hơn nữa với sự tham gia của các chuỗi dây chuyền tự động, của robot. Tốc độ, năng suất, độ chính xác cao, thậm chí có thể chạm mức tuyệt đối... là những gì công nghệ có thể mang lại. Hơn thế, robot hay dây chuyền tự động thì chẳng ốm đau, cũng như chẳng cần đến các loại phí công đoàn, bảo hiểm... Các doanh nghiệp nhờ thế mà hưởng lợi. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả cuối cùng, sau khi doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí khác nhằm nghiên cứu, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất.
Không giống với các cuộc cách mạng khác là chú trọng vào công cụ sản xuất, làn sóng 4.0 đặt trọng tâm vào trí tuệ con người và công cụ tối thiểu của họ là... một chiếc máy tính có kết nối Internet. Đây là "thiên thời" đối với những bạn trẻ khởi nghiệp, vì biết đâu đấy, một trong số đó lại trở thành Mark Zuckerberg thứ 2!
Nhưng đối với người lao động, cách mạng 4.0 chưa hẳn là tin vui. ILO đầu năm 2016 đã đưa ra cảnh báo 86% người lao động ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may có thể bị mất việc vì máy móc. Nếu Việt Nam đang dừng lại tại dự báo thì điều này đã trở thành hiện thực ở Trung Quốc khi 1/2 nhân công (60.000 người) ở nhà máy Foxconn bị sa thải. Tuy nhiên, không chỉ có người lao động chân tay mà giới "cổ cồn" cũng sẽ gặp vấn đề với robot. Những công việc như kế toán, phân tích, đọc dữ liệu tài chính robot với trí tuệ nhân tạo cũng sẽ thay thế bạn trong tương lai. Đơn giản vì bộ nhớ và tính chính xác của chúng vượt trội hơn. Tuy nhiên, "một luật sư trẻ thì có thể bị thay thế được bởi máy, nhưng một luật sư già thì không, người hơn máy móc ở kinh nghiệm", đó chính là những gì mà chúng ta có thể tận dụng được để "giữ lấy chỗ" của mình.
Dù được nói đến dưới các góc độ khác nhau nhưng hình thù của Industry 4.0 như nào vẫn "đang còn được đục đẽo". Bởi lẽ, qua nhiều cuộc hội bàn, các từ lãnh đạo đến chuyên gia kinh tế hay doanh nghiệp đều đang có cách hiểu khác nhau về cách mạng 4.0, và chúng ta chỉ mới dừng ở "nói nhiều chứ làm chưa được bao nhiêu". Đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một phiên họp phải nhấn mạnh "tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng 4.0 nhưng hỏi đến thì chẳng biết làm gì".
Cách mạng 4.0 là điều tất yếu, Việt Nam nhất định phải đón được sóng, để không bị tụt hậu và để phát triển. Đôi khi cuộc chơi cần thực tế, nhưng cũng cần những lãng mạn và mơ mộng. Người Việt Nam chắc chắn có đủ tố chất để làm được. Những sự chưa rõ ràng, mông lung vẫn cần nhiều thời gian để có thể vượt qua. Theo ttvn.vn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|