Nếu TPP thất bại, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao? |
Viết bởi An An |
Thứ bảy, 19/11/2016, 09:58 GMT+7 |
Việc ông Donald Trump, người thể hiện rõ sự hướng nội và có thái độ không thân thiện với tự do hóa thương mại, thắng cử Tổng thống đã làm cho triển vọng của TPP được phê chuẩn ở Mỹ trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Vì Việt Nam là một trong 12 nước thành viên tham gia ký kết TPP và đồng thời được cho là hưởng lợi nhất trong 12 nước thành viên, nên sự thất bại của TPP cũng có nghĩa là Việt Nam có thể là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự thất bại này. Nhưng nếu phân tích kỹ thì ảnh hưởng này cũng có sự khác biệt nếu nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, vì TPP về tổng thể là một dấu cộng thêm cho nền kinh tế Việt Nam nên nếu TPP không được thông qua thì, về logic, kinh tế Việt Nam chỉ mất đi dấu cộng này mà không chịu thêm một dấu trừ nào khác. Nói cách khác, ảnh hưởng trước tiên của việc TPP không được thông qua là Việt Nam mất đi một cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, chứ không chịu tác động tiêu cực nào khác lên hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, hiện nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 6,2%/năm. Với TPP được thông qua, kinh tế Việt Nam có thêm điều kiện để tăng trưởng nhanh hơn, với tốc độ, ví dụ, 7%/năm. Nhưng khi TPP thất bại thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ dừng lại ở tốc độ 6,2%/năm như hiện tại, chứ không phải là tụt xuống còn 5%/năm. Cũng có người sẽ lập luận Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ sự đầu tư đón đầu của giới đầu tư trong nước và quốc tế vào những ngành và lĩnh vực Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất như dệt, may, da giầy v.v… Nên nếu TPP không được thông qua thì có nghĩa là làn sóng đầu tư này sẽ chững lại, thậm chí triệt thoái. Những dự án đang đầu tư dở dang có thể sẽ bị bỏ lửng, thanh lý. Còn những dự án đã đầu tư có thể bị rút về bản quốc hoặc chuyển sang các nước khác. Lo ngại trên là có cơ sở. Dẫu vậy, cũng cần phải tách biệt những tác động có thể có này. Với những dự án mới chỉ đang ở giai đoạn xúc tiến đầu tư thì, như đã nói ở trên, sự rút lại các dự án này cũng chỉ tương tự như mất đi một dấu cộng, chứ không phải là có thêm một dấu trừ cho nền kinh tế Việt Nam. Với những dự án đang triển khai, chưa hoàn thành, nếu bị dừng lại dở dang, thì đương nhiên chúng cũng chưa đóng góp đáng kể gì cho nền kinh tế ngoài tiền lương cho nhân công xây dựng bản địa, tiền thuế nhập khẩu cho các máy móc thiết bị đã nhập về, một số hợp đồng mua sắm với các doanh nghiệp trong nước v.v… Tuy nhiên, nếu những chi phí đã bỏ ra này mà đủ lớn thì chưa chắc nhà đầu tư nước ngoài sẽ quyết định bỏ dở mà tìm cách tiếp tục hoàn thành hoặc bán lại cho nhà đầu tư khác. Như thế thì nền kinh tế Việt Nam vẫn được hưởng nguyên dấu cộng như trước. Với những dự án đã hoàn thành, càng ít có khả năng nhà đầu tư sẽ đóng cửa dự án hoặc di dời sang các nước khác mà tìm cách điều chỉnh để thích nghi với sự không tồn tại của TPP. Do đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ những dự án này, dù quy mô của cái lợi này có thể không còn được lớn như trước do nhà đầu tư có thể phải thu hẹp sản xuất ở mức tối ưu hoặc từ bỏ kế hoạch mở rộng công suất sau này. Ngoài những cái lợi và sự mất mát có thể trông thấy như trên, độ lớn của sự mất mát (mất đi dấu cộng) từ việc TPP không được thông qua còn phụ thuộc vào bản thân Việt Nam đã và sẽ sẵn sàng như thế nào để thu được tối đa lợi ích từ TPP khi nó được phê chuẩn. Nếu Việt Nam đã hoàn tất các bước chuẩn bị và sẵn sàng đáp ứng các điều kiện để tăng mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên của TPP thì dấu cộng thu được từ TPP sẽ là rất đáng kể khi TPP được thông qua và có hiệu lực, đồng nghĩa với đó là tổn thất sẽ là rất đáng kể nếu TPP không được thông qua. Ngược lại, nếu sự sẵn sàng này chỉ là việc xảy ra trong tương lai thì kể cả TPP có được thông qua, dấu cộng từ TPP với Việt Nam chỉ là sự nhỉnh hơn số 0 đôi chút mà thôi. Do đó, dù TPP có không được thông qua thì tác động với Việt Nam (sự mất đi dấu cộng này) cũng chỉ nhỉnh hơn số 0 một chút mà thôi, ít nhất trong ngắn hạn. Và thực tế cho đến hiện nay cho thấy sự chuẩn bị và mức độ sẵn sàng của Việt Nam để hưởng lợi từ TPP vẫn còn hầu như mới chỉ dừng lại ở mức thảo luận xem nên làm gì, như thế nào, và bắt đầu từ đâu mà chưa có mấy sự thực sự xắn tay vào việc cụ thể. Thái độ chờ và xem vẫn đang chi phối tại nhiều nơi, được áp dụng bởi nhiều người. Tóm lại, TPP dù có thất bại vì đã không được Mỹ thông qua thì nó cũng không phải là một thảm họa hay một yếu tố tiêu cực kéo tụt Việt Nam lại trên con đường tăng trưởng và phát triển hiện tại. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|