top-banner-2

Thứ ba, 13/10/2015, 10:12 GMT+7

Lập nghiệp và hội nhập: Khi nào và như thế nào?

Viết bởi An An   
Thứ ba, 13/10/2015, 10:12 GMT+7

Trong bối cảnh đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa thành công và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sắp được thành lập vào cuối năm nay, vấn đề hội nhập và lập nghiệp càng trở nên “nóng hổi” hơn bao giờ hết, bởi Việt Nam là một thành viên trong cả 2 định chế đó.

Lập nghiệp và hội nhập: Khi nào và như thế nào?

 Vậy lập nghiệp và hội nhập trong thời kỳ mới phải được hiểu như thế nào và được tiến hành như thế nào, vào thời điểm nào mới đáp ứng được yêu cầu của thời đại?

Kiến thức và kỹ năng - Yếu tố tiên quyết

Nói như TS. Lương Hoài Nam – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Du lịch Thiên Minh, TGĐ Hàng không Hải Âu, tác giả cuốn sách Kẻ trăn trở - thì không có nền giáo dục nào có thể cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, mà chúng ta phải chủ động lấp đầy những thứ còn thiếu.

Theo các chuyên gia, chìa khóa để lập nghiệp và hội nhập thành công là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục tự thân với thụ hưởng sự giáo dục của nhà trường. “Khi được hỏi đến vấn đề sự nghiệp, đa số thanh niên Việt Nam đều trả lời rằng “muốn làm giám đốc”, nhưng khi được hỏi về những kỹ năng, kiến thức cần có để trở thành lãnh đạo thì họ đều có nhận thức rất mơ hồ”, bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM nêu ví dụ khi trao đổi với sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM tại chương trình giao lưu “Hội nhập và lập nghiệp – những trăn trở”.

Ở thời đại thông tin và kiến thức không bị giới hạn như hiện nay, bí quyết để thành công dành cho người khởi nghiệp là phải liên tục đặt câu hỏi. Ông Lý Trường Chiến – Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group cho rằng, năng suất lao động và “năng suất” của nền kinh tế Việt Nam phải được gia tăng bằng trí tuệ, bằng năng lực sáng tạo chứ không phải chỉ đơn giản là tăng thời gian làm việc.

Theo ông Chiến, người muốn lập nghiệp phải biết quan tâm và tích cực suy nghĩ để biết được người khác đang cần gì, sau đó mang đến cho họ điều còn thiếu đó. Chỉ có như vậy, vị trí cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ thế giới mới được cải thiện.

Muốn xây dựng một doanh nghiệp, muốn tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội thì thách thức đầu tiên, câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra là: Doanh nghiệp sẽ tạo ra được giá trị gì cho xã hội? TS. Lương Hoài Nam khuyên người trẻ: “Hãy bắt đầu bằng cách chọn thứ mà bạn tin rằng mình có thể làm tốt nhất và mang đến trải nghiệm cho càng nhiều người càng tốt, lúc đó, bạn sẽ thành công”.

Không chỉ là sân chơi của người trẻ

Yếu tố quan trọng để khởi nghiệp, lập nghiệp thành công là ý chí và quyết tâm theo đến cùng ý tưởng của mình, chứ không phải là chuyện tuổi tác.

Dẫn chứng trường hợp khởi nghiệp thành công ở tuổi 63 của chủ doanh nghiệp Trà Tâm Lan, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, khởi nghiệp không phải chỉ là chuyện của người trẻ, mà “hãy nhìn vào Israel sẽ thấy, họ là cả một “quốc gia khởi nghiệp”, điều mà đất nước họ không bao giờ thiếu là tinh thần doanh nhân”.

Do đó, tích lũy kinh nghiệm bằng cách làm thuê trước khi tìm thấy cơ hội khởi nghiệp cũng là lựa chọn hợp lý cho người trẻ. TS. Lương Hoài Nam từng chia sẻ câu chuyện bắt tay đầu tư vào dự án thương mại điện tử Godafi.com (Công ty Dịch vụ Hàng không và Du lịch Hoàng Gia) ở tuổi 52 và chấp nhận vừa làm vừa học hỏi thêm những điều mới mẻ của thế giới thương mại điện tử. Qua đó, ông khẳng định, đối với khởi nghiệp, vấn đề tuổi tác không thật sự quá quan trọng.

"Những trường hợp quá "sốt ruột" đến nỗi phải ngừng việc học để theo đuổi ý tưởng như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Richard Branson... là rất hiếm hoi. Thật ra khi đã hoàn tất việc học, người trẻ chưa cần phải khởi nghiệp ngay mà cần phải bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá về xuất phát điểm cũng như xác định mục tiêu cụ thể để tìm ra cơ hội tốt nhất", ông Nam chia sẻ.

Bà Vũ Kim Hạnh cũng lưu ý thêm, khi đã mang gánh nặng gia đình, người khởi nghiệp cần phải tìm được sự ủng hộ của những người thân. “Không người khởi nghiệp nào có thể chắc chắn xác suất thành công là 100%, cũng không ai khởi nghiệp để thất bại, nhưng phải chuẩn bị tâm lý cho khả năng thất bại. Do đó, chúng ta cần phải tìm được “đồng minh” là những người thân trong gia đình, để cùng chấp nhận và san sẻ rủi ro”, bà Vũ Kim Hạnh cho hay.

Theo DNSG

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lập nghiệp và hội nhập: Khi nào và như thế nào?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc