Doanh nghiệp trốn đóng BHXH do sức ép chính sách? |
Thứ năm, 16/10/2014, 08:47 GMT+7 |
‘’Nếu hàng năm, lương tối thiểu tăng 14 – 15%, rồi các phí bảo hiểm, phí công đoàn tăng, liệu doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển hay không? Đây là vấn đề mấu chốt”. Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Văn Dũng cho rằng, với việc trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), cần phải xem lại liệu doanh nghiệp có chịu được chính sách của chúng ta hay không. Tại hội thảo Vấn đề thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế diễn ra sáng nay, 15/10, ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực VCCI – cho rằng, mấu chốt của bảo hiểm xã hội (BHXH) là phát triển nguồn thu, nhưng cần tiếp tục xem lại các chính sách của chúng ta xem doanh nghiệp có chịu đựng được hay không. ‘’Nếu hàng năm, lương tối thiểu tăng 14 – 15%, rồi các phí bảo hiểm, phí công đoàn tăng, liệu doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển hay không? Đây là vấn đề mấu chốt”, ông Dũng giải thích. Một vấn đề nữa ông Dũng nêu ra là cần xem xét tỷ lệ đóng BHXH một cách hợp lý, làm sao hòa sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tham gia Cộng đồng ASEAN (AEC) với các nước. ‘’Khi doanh nghiệp các nước vào Việt Nam, sức cạnh tranh ép lên các doanh nghiệp của chúng ta rất lớn. Vậy nên làm sao để tỷ lệ đóng hợp lý và doanh nghiệp chúng ta chịu được”, ông Dũng bổ sung. Một đại biểu trong hội thảo cũng bức xúc về vấn đề bình đẳng trong thu BHXH, BHYT. ‘’Chúng ta xử lý doanh nghiệp tư nhân rất mạnh, nhưng doanh nghiệp nhà nước thì sao?’’ “Với doanh nghiệp năng lực tài chính mạnh, thu thế nào? Với doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, nợ đọng BHXH nhiều, thậm chí là phá sản, thu ra sao, nên chăng xem xét xóa nợ BHXH?’’ - đại biểu trên khuyến nghị. “Chúng ta thu nhưng đằng sau cái thu phải khuyến khích để người ta đóng chứ không phải thu tận hết’’ – đại biểu đề xuất. Theo thông tin từ VCCI, từ năm 2012, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thị trường tiêu thụ thì bị thu hẹp, hàng hóa tồn kho đọng nhiều, khách hàng cũng gặp khó khăn nên chậm thanh toán, có hợp đồng thì lại gặp khó khăn trong việc thiếu nguồn vốn, người lao động thì thiếu việc làm... Trong khi đó, doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn từ các khoản chi phí lương, BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), công nợ, trả lãi các khoản vay, duy trì sửa chữa máy móc,… khiến nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính để đóng đủ, đúng hạn tiền BHXH. Chuyện gì sẽ xảy ra khi doanh nghiệp và người lao động cho rằng tỷ lệ đóng BHXH, BHYT quá cao? Ông Jean-Yves Hocquet – Quyền Giám đốc Cơ quan Bảo đảm Xã hội và Y tế quốc tế Pháp (GIP SPPSI) – cho hay, mọi việc sẽ đơn giản khi quyền đóng BHXH, BHYT đi đôi với chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ BHXH và BHYT tại Việt Nam dường như chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Theo thống kê, đến nay đã có hơn 11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, 63 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 70% dân số. Như vậy, còn một lực lượng lao động rất lớn (khoảng 34 triệu người) chưa tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 27 triệu người dân (30% dân số) chưa tham gia bảo hiểm y tế. Báo cáo của VCCI cũng cho thấy hiện có trên 300.000 đơn vị đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gân 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH, như vậy, có đén 50% số DN trốn đóng BHXH. Không cơ quan nào biết có bao nhiêu doanh nghiệp tồn tại Phó Chủ tịch Thường trực VCCI Hoàng Văn Dũng cho rằng cần phải xem lại năng lực quản lý về BHXH trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều cơ quan quản lý doanh nghiệp. ‘’Một số tỉnh, địa phương giao cho UBND, một số giao cho Sở Thương mại, một số giao cho Sở Kế hoạch đầu tư. Thực tế là có bao nhiêu doanh nghiệp mới ra đời, bao nhiêu doanh nghiệp tồn tại, ngay cả chúng tôi - quản lý doanh nghiệp cũng không nắm được. Chúng tôi chỉ căn cứ vào việc doanh nghiệp nào đóng thuế là chúng tôi mới biết được họ tồn tại’’, ông Dũng thở dài. VCCI đồng thời khuyến nghị việc ban hành mới hoặc điều chỉnh các chính sách của Nhà nước có liên quan đến BHXH, BHYT và các hình thức bảo hiểm bắt buộc khác mà doanh nghiệp phải thực hiện khác để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (mức lương tối thiểu, các quy định của quản lý nhà nước về BHXH,…) cần phải được tính toán hợp lý, trên cơ sở nghiên cứu và khoa học, đồng thời cũng phải căn cứ vào tình hình kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp để đưa ra chính sách tránh việc đưa ra các quyết định không phù hợp, thiếu cơ sở và tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp. Theo Infonet Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|