top-banner-2

Thứ hai, 16/04/2018, 08:06 GMT+7

Lý do nào khiến Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản?

Thứ hai, 16/04/2018, 08:06 GMT+7

Bộ Tài chính đã dẫn ra hàng loạt ví dụ tại các quốc gia trên thế giới để làm căn cứ cho Dự thảo Luật Thuế tài sản, đồng thời công bố các văn bản khác định hướng về loại thuế này.

thue-nha-o-vanhoadoanhnhan

Bộ Tài chính đã công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Luật Thuế tài sản.

Thuế Tài sản, theo Bộ Tài chính là cần thiết và đã được nhắc đến trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Nghị quyết số 19-NQ/TW (Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI) nêu: "Nghiên cứu ban hành thuế bất động sản, đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Tại Nghị quyết số 7-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn nhấn mạnh: "hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế;...khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường".

Những ý kiến trên cũng được ghi nhận tương tự tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 hay Quyết định số 2127 (ngày 30/11/2016) về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt...

Bên cạnh đó, Bộ này cho biết, Thuế tài sản đã có mặt trong hệ thống thuế của đa số quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

Theo đó, có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản, dưới hình thức thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản, với nhiều tên gọi khác nhau.

Thuế này được xem như là một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà. Vì vậy, thuế tài sản có phần góp vào đảm bảo công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách quốc gia, tỷ lệ trung bình khoảng 3 - 4 % so với tổng thu thuế ở các nước phát triển. Cá biệt, ở một số nước tỷ lệ này lên đến 8%, như Nhật Bản.

Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ này thấp hơn. Theo đó, trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á là khoảng 2%/GDP.

Ở Việt Nam, sau khi đánh giá, Bộ Tài Chính thấy rằng thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng để tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước, thực hiện cải cách hệ thống thuế, mở rộng cơ sở thuế, góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc ban hành Luật thuế tài sản là cần thiết.

Thông lệ quốc tế là một căn cứ quan trọng được Bộ Tài chính viện dẫn ra hàng loạt khi giải trình xung quanh 3 đối tượng chịu thuế chính trong Dự thảo lần này gồm đất, nhà – công trình xây dựng trên đất và tài sản ô tô, tàu bay, du thuyền.

Đối với đất, Bộ Tài chính dẫn: kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước đánh thuế tài sản đối với với đất gồm đất ở, đất sản xuất kinh doanh.

Với đất nông nghiệp, một số nước đưa vào đối tượng miễn thuế như Bungari, Anh, Estonia,… một số nước không đánh thuế đối với đất nông nghiệp hoặc đưa vào đối tượng không chịu thuế như: Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, hầu hết các nước châu Phi.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đất ở (tại nông thôn và đô thị), đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Đối với nhà và công trình xây dựng trên đất, Bộ Tài chính cho biết nhiều quốc gia đánh thuế tài sản vì cho rằng người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội sẽ phải có nghĩa vụ đối với nhà nước.

Một số quốc gia có quy định cụ thể đánh thuế đối với nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh.

Ví dụ, Hàn Quốc quy định các loại nhà chịu thuế tài sản gồm nhà ở, nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ, tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư và các tòa nhà với mục đích khác.

Đài Loan quy định các loại nhà chịu thuế là nhà ở và nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại. Singapore quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà (trong đó có nhà thương mại, công nghiệp). Philippines quy định các loại nhà chịu thuế gồm nhà ở, nhà kinh doanh. Brunei chỉ đánh thuế nhà, trong đó có nhà thương mại hay Campuchia quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà và công trình trên đất.

Hiện mức đề xuất của Bộ Tài chính đối với đối tượng này là 0,4%/năm đối với nhà có giá trị tính thuế trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng.

Cuối cùng là đối với tàu bay, ô tô, du thuyền, Bộ Tài chính nói rằng hiện chỉ có 3 nước đánh thuế tài sản với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện là Hàn Quốc (chỉ đánh thuế với tàu bay, du thuyền), Kazakhstan và Bolivia.

Mức đề xuất thuế được áp dụng với ô tô có giá trị trên 1,5 tỷ đồng.

Đề xuất của bộ Tài chính vừa được đưa ra đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận. Một số chuyên gia dù đồng tình với việc đánh thuế là hợp thông lệ quốc tế nhưng đề nghị Bộ Tài chính xem xét kỹ lại mức thuế cũng như giá trị nhà đóng thuế.

Trả lời trên báo chí, Đại biểu Quốc hội, PGS. TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân) khẳng định việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản trong đó có bất động sản đứng về mặt nguyên lý là phù hợp, là nên tính đến và nên làm nhưng nhấn mạnh việc phải xem xét kỹ mức khởi điểm là 700 triệu với mức thuế suất 0,4%.

Theo phân tích của ông, cách thu này làm cho phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế trong khi họ không phải là những người đầu cơ, không phải là những người chiếm hữu quá nhiều tài sản của xã hội càng không phải là những người cần điều tiết.

Do vậy, ông Cường cho rằng việc áp mức thuế phải bắt đầu từ mức có hành vi "đang sử dụng vượt trên mức bình quân chung của xã hội". "Nếu chúng ta khó xác định được mức này thì việc xác định mức khởi điểm bắt đầu phải là ở mức thuế rất nhỏ không đáng kể chỉ thể hiện việc anh có trách nhiệm trong tài sản đó thôi chứ không phải ở ở mức tạo ra áp lực đối với người dân khi đang sở hữu tài sản rất thông thường", ông nói thêm.

Theo Hà Thu - ttvn.vn - 16/04/2018

Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/ly-do-nao-khien-bo-tai-chinh-de-xuat-danh-thue-tai-san-42018154201518439.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lý do nào khiến Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc