Chính phủ yêu cầu bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Thủ tướng mới đây đã ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ (3.10), thực hiện Nghị quyết số 10/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan này cũng phải tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Muốn xin thì phải "biết điều"
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, đằng sau nhiều giấy phép, điều kiện kinh doanh có bóng dáng của lợi ích, bởi cấp phép là xin cho, muốn xin thì người xin phải “biết điều”. Đằng sau những thủ tục cấp phép khó khăn, mất thời gian thì lại nở rộ dịch vụ làm thủ tục nhanh chóng với chi phí cao…
Nhiều điều kiện kinh doanh dường như lại được sử dụng như công cụ để gạt các doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường, ngăn ngừa doanh nghiệp mới tham gia thị trường để giảm áp lực cạnh tranh. Đó có thể là một chiến lược của một số doanh nghiệp lớn để đảm bảo giữ vững thị phần.
Về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Tuấn cho rằng hiện nay đang giao cho các bộ, ngành tự rà soát để đề xuất bãi bỏ, chưa có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó.
“Cách làm này có thể không hiệu quả, bởi chính các bộ, ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm cấp phép đó, xây dựng chính sách, thực thi chính sách đó, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó. Thường cơ quan đang cấp phép không nên và không thể chính là cơ quan chủ trì soạn thảo hay cắt giảm quy định về cấp phép”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Vị này cũng cho rằng vẫn phổ biến văn hóa quản lý thích cấp phép, phổ biến xu hướng chọn dễ tránh khó trong quản lý. “Cấp phép là giải pháp quản lý dễ, ngồi một chỗ và doanh nghiệp người dân phải đến xin, cơ quan quản lý thì lại có quyền. Quyền tạo ra tiền, ra lợi. Để chủ động từ bỏ cái này là hoàn toàn không dễ dàng”.
Đặc biệt, ông Tuấn cho rằng việc bãi bỏ giấy phép kinh doanh thời gian qua chưa gắn được với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực. Chưa ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu khi lĩnh vực họ phụ trách đặt thêm nhiều điều kiện kinh doanh gây phiền hà, cản trở sự phát triển.
“Những thiệt hại to lớn từ hàng rào giấy phép kinh doanh rất khó nhận ra. Nó không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, xa hơn nó còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy nhà nước. Nó tạo ra những động lực ngược chiều đối với cả các doanh nghiệp và bộ máy hành chính nhà nước”, ông Tuấn nói.
Vị này kết luận, để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh, phải hành động thực chất, quyết liệt. Cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ ngành cơ quan nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc sinh thêm giấy phép mới. Chỉ cần thực hiện hết các giải pháp nêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hàng năm đã có thể tạo ra thay đổi lớn.
|
Theo Hoài Phong - motthegioi.vn - 05/10/2017
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
Thủ tướng yêu cầu giảm tiếp phân nửa số điều kiện kinh doanh hiện hành
|