top-banner-2

Thứ tư, 19/06/2013, 13:36 GMT+7

Những thông điệp nóng từ Ngân hàng Nhà nước

Thứ tư, 19/06/2013, 13:36 GMT+7

Xen lẫn các chủ đề về tăng trưởng tín dụng, thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng… một thông điệp khá mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước vừa được gửi đến các ngân hàng thương mại đó là toàn hệ thống phải dốc sức ghi điểm thắng lợi tuyệt đối trong các lĩnh vực của ngành, phải làm sao để cả xã hội cùng nhìn thấy, hiểu và ghi nhận.

alt

Muốn tăng trưởng tín dụng, ngân hàng kiến nghị mở “van” đầu tư công - Ảnh: Ngọc Châu.

Lãi suất, hệ số sử dụng vốn: lội ngược dòng

Hội nghị 6 tháng đầu năm 2013 của ngành ngân hàng hình như diễn ra sớm nhất trong các bộ ngành. Trong câu chuyện gợi mở với toàn ngành, ngay phút khai mạc, dù nói vo nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đi một mạch 30 phút với đầy đủ hết “mặt trận”.

Lĩnh vực tiền tệ, Thống đốc thừa nhận, chúng ta dồi dào vốn hơn trước nhưng chưa đưa được về mức an toàn. Năm 2012 đã cải thiện được hệ số sử dụng vốn (tỷ lệ cho vay trên huy động), từ trên 100% xuống 96-98%, nay chỉ 95-96%...

Ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay khi thị trường vốn chưa hoạt động hiệu quả, các công cụ chưa sử dụng hết thì hệ số sử dụng 80-85% là phù hợp. “Bản thân các ngân hàng không đẩy vốn ra được, xã hội thì nói chúng ta thừa vốn...” - Ông Bình nói.

Về lãi suất cho vay, Thống đốc liệt kê: hiện ở mức 10% với các khoản vay mới. “Ngày 15/7/2012, tại diễn đàn này tôi kêu gọi tất cả các ngân hàng thương mại đưa lãi suất xuống dưới 15%. Và tại thời điểm đó tỷ lệ dư nợ có lãi suất trên 15% là trên 65%. Đến nay chúng ta làm ngược được lại mà còn dưới 13% đã chiếm tới 64%. Theo số liệu thống kê, lãi suất trên 15% của chúng ta hiện chiếm tỷ lệ 12%. Còn 13-15% chiếm khoảng 24% dư nợ. Nhìn chung lãi suất của hệ thống đã giảm mạnh. Ra ngoài phố, đi thăm chi nhánh bản thân tôi hơi giật mình, khi lãi suất huy động trung dài hạn nhiều ngân hàng chỉ còn ở mức 8-8,5%. Về tăng trưởng tín dụng, đã cải thiện nhiều. Năm ngoái hết tháng sáu mới dương, năm nay từ tháng 3 đã tăng trưởng dương. Đến nay đạt khoảng 3%, để đạt con số 12% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 9%".

“Với mức tăng khiêm tốn 9% của 6 tháng cuối năm chúng ta có đạt được không, có những yếu tố nào là tích cực và chưa tích cực, tôi đề nghị làm rõ? Về chưa tích cực, tổng cầu, sức mua của nền kinh tế vẫn rất khó khăn, đòi hỏi có các chính sách khác hỗ trợ thêm vào đặc biệt chính sách tài khóa. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ để nâng phát hành trái phiếu chính phủ, nâng mức đầu tư công qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm, qua đó mới góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng”. - Thống đốc Bình lưu ý.

Tỷ giá, vàng: đừng vì một ngân hàng mà phá vỡ lợi ích chung

Câu chuyện tỷ giá được Thống đốc “chăm sóc” khá kỹ. Ông thừa nhận, có áp lực tỷ giá tăng lên. Diễn biến này vừa khách quan vừa chủ quan. Có thể khẳng định nhu cầu thị trường có tăng nhưng vẫn nằm trong khả năng đáp ứng.

Cán cân thương mại bắt đầu có nhập siêu trong hai tháng qua, nhưng cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Về tổng thể cân đối ngoại tệ vẫn đảm bảo.

Vậy tại sao có áp lực tăng tỷ giá, theo ông, đó là vì các ngân hàng thừa tiền, dư thanh khoản, chưa cho vay ra được, có ngân hàng cải thiện trạng thái ngoại tệ của mình, mua vào dự phòng hoặc thông qua đây để kinh doanh.

Hiện tượng gia tăng tỷ giá thời gian vừa rồi theo vị Thống đốc, chủ yếu do chính các ngân hàng tạo ra chứ không phải do thị trường. Một khi NHNN đã định ra mức nào thì các Ngân hàng Thương mại (NHTM) cần nghiêm túc tuân thủ.

Nếu chạy theo đầu cơ, đầu tư trên thị trường ngoại tệ sẽ dẫn đến phải tăng lãi suất. Trong khi giảm lãi suất là cái hướng tới thì với việc đầu tư chúng ta lại triệt tiêu nó đi. Đừng vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung.

Tôi xin khẳng định là nếu NHTM tiếp tục như vậy, buộc ngân hàng nhà nước hút tiền về, thông qua các kênh khác nhau. Khuôn khổ pháp lý không cấm, nhưng chúng ta cần có ứng xử chuyên nghiệp.

Về vàng, sau thời gian tranh đấu tranh, chúng ta đã thực hiện thành công nghị định 24, thị trường thế giới biến động mà vẫn giữ được ổn định đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng phải mua lượng lớn để tất toán.

Trước đây có 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng trên toàn quốc, hiện xuống còn 3.000 con số này đều nằm trong các NHTM, doanh nghiệp được cấp phép. Đó là tiền đề để chúng ta quản lý.

Vừa rồi, NHNN đã làm trọn gói việc đấu thầu, nhập vàng về và gia công, số lãi thu được 3.000 tỷ đồng, tiền này chúng ta đã nộp cả vào ngân sách trong khi như trước đây, sẽ chỉ thuộc về giới kinh doanh.

“Cuộc chiến về vàng hết sức khốc liệt, nó đang len lỏi vào và chúng ta vấp phải những áp lực, quan điểm trái chiều. Tôi xin nhắc lại là đến 30/6, nếu tổ chức tín dụng nào không tất toán được chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”. - Thống đốc Bình quyết liệt gửi thông điệp.

Khẩu vị tín dụng: thay đổi

Đồng quan điểm với NHNN, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank ông Nguyễn Ngọc Bảo lưu ý: Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định nhưng bắt đầu có vấn đề: dịch chuyển vốn từ ngoại tệ sang VNĐ bắt đầu chậm lại. Thanh khoản tiền đồng chưa hẳn đã dồi dào, tình hình cạnh tranh vẫn căng thẳng ở cả thị trường nông thôn và thành thị.

Kiến nghị của Agribank, ông Bảo đề xuất: tác động chính sách tài khóa và tiền tệ để tăng tổng cầu là cần thiết. Nhưng để tăng thì có 2 van phải mở, trước hết là đầu tư công (tài khóa, chỉ cần vốn mồi) và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt tài sản đảm bảo. Nếu không mở được 2 van này thì không thể tăng trưởng tín dụng được.

Chủ tịch HĐQT Vietinbank, ông Phạm Huy Hùng đề nghị: NHNN cần duy trì ổn định chính sách tiền tệ để doanh nghiệp thấy định hướng rõ ràng hơn. “Giải phóng hàng tồn kho, thậm chí bán với giá thấp. Xử lý tồn kho và nợ xấu là vấn đề hết sức lớn. Chính phủ đã duyệt đề án, nhưng đề nghị có giải pháp mạnh, kích cầu đầu tư tiêu dùng. Về phía ngân hàng, để tăng tín dụng tiếp tục nghiên cứu thì cần tiếp tục giảm lãi suất. 5 tháng mới tăng 3%. Bất động sản, chứng khoán coi như chết rồi”- Ông Hùng nói và gợi ý: Lãi biên hiện nay rất thấp, trừ trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 1,5-1,8%, thấp nhất chưa từng có.

Nhưng chúng ta phải chấp nhận được. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất xuống 6%. Lãi suất càng cao nợ xấu càng cao, trích lập dự phòng bao nhiêu thì gánh nặng lớn bấy nhiêu.

Tổng giám đốc Tiên Phong Bank ông Nguyễn Hưng đặc biệt lưu ý: Khẩu vị rủi ro của các ông chủ ngân hàng giờ đã thành hiện thực. Việc cấp tín dụng ra giờ đã chặt chẽ hơn rất nhiều, chúng tôi có kinh nghiệm từ thời bùng nổ tín dụng cho vay dễ dài trước đây, để nay cần thận trọng hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, để tăng trưởng tín dụng an toàn thì cần khuyến khích. Con số tăng trưởng tín dụng này chúng tôi đảm bảo an toàn, đầu tư có mục đích chứ không phải cho những lĩnh vực rủi ro cao. Nhiều NHTM thời gian qua có sai phạm nên cơ quan quản lý có sự e dè, vô hình chung các ngân hàng nghiêm túc lại bị ảnh hưởng bởi sự siết chặt đó.

Có tâm lý, Bộ công an thỉnh thoảng lại hỏi thăm các vấn đề, tạo tâm lý cho anh em e ngại, sợ sau này vướng mắc với pháp luật. Đề nghị NHNN có liên hệ với các cơ quan pháp luật có chính sách phù hợp tránh hình sự hóa các vấn đề rất bình thường.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Vừa rồi, xã hội đã đánh giá về chính chúng ta, giả sử chúng ta chưa làm tốt nhưng thực tế chúng ta đã nỗ lực. Những gì bên ngoài hiểu chưa đúng, chúng ta phải cố gắng để làm tốt hơn. Chúng ta trân trọng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả này để chúng ta hiểu chúng ta là ai, chúng ta đã làm gì cho đất nước. Tôi mong cả Ngân hàng Nhà nước, ban lãnh đạo có quyết tâm để thực hiện thắng lợi tuyệt đối các nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực của ngành, để lúc đó không còn ý kiến… chấp chới nữa.

Theo Tienphong

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Những thông điệp nóng từ Ngân hàng Nhà nước

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc