Triển khai nhiều giải pháp gỡ khó, tạo đà tăng trưởng |
Thứ năm, 13/06/2013, 10:06 GMT+7 |
Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên chất vấn của Quốc hội hôm nay, 12/6, thời gian qua, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tạo đà cho tăng trưởng đã được triển khai và phát huy tác dụng. Nhiều dự án nhà ở xã hội đã được triển khai theo Nghị quyết 02 của Chính phủ (Ảnh minh họa). Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, tồn kho của một số loại hàng đã giảm so với tháng 12/ 2012 như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm chế biến chế tạo, xe có động cơ... Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2013, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho lại tăng so với cùng kỳ năm 2012 (mỳ ống, mỳ sợi tăng 135%, sản xuất các thiết bị truyền thông tăng 90%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 76,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 46,8%...). Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và trình Quốc hội về miễn, giảm thuế; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất (so với tháng 12/2012 giảm khoảng 3 - 4%/năm), ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho một số ngành quan trọng như thép, cơ khí, dệt may, khai khoáng,.. Đối với nhóm nhiệm vụ mở rộng thị trường, hạn chế nhập siêu, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính phủ đã đẩy mạnh triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực, có nhiều tiềm năng. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt gần 50 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh đã tăng lên. Nhập siêu 5 tháng là 1,9 tỷ USD, bằng 3,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong việc đảm bảo an toàn đập thuỷ điện, tính đến tháng 4/2013, tổng số đập thủy điện đến kỳ phải kiểm định là 104 đập, trong đó 53 đập đã được kiểm định xong, 15 đập đang được kiểm định và 36 đập chưa kiểm định (chủ yếu là các đập thủy điện nhỏ). Đã thực hiện cắm mốc chỉ giới vùng phụ cận bảo vệ 47/232 đập. Chính phủ đã thực hiện rà soát đánh giá, loại bỏ 338 dự án thuỷ điện, giãn đầu tư sang sau năm 2015 là 117 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá, hiệu chỉnh quy hoạch 67 dự án. Theo Nghị quyết 40, Chính phủ sẽ báo cáo chi tiết vấn đề này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ ban hành đầu năm nay. Đến nay đã có 58 dự án nhà được đề xuất điều chỉnh để xây dựng 33.000 căn hộ nhà xã hội. Nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, phát triển các Quỹ đầu tư bất động sản để tạo nguồn vốn phát triển nhà ở. Thực hiện thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê. Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đang được triển khai, bước đầu tác động tích cực lên thị trường; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo tại khu vực nông thôn. Triển khai hỗ trợ nhà ở tránh lũ cho khoảng 60.000 hộ nghèo ở 14 tỉnh khu vực miền Trung. Ngành Xây dựng c tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình trong xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi. Kiểm soát 9 ngân hàng yếu kém Đối với nhóm nhiệm vụ tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng này được cải thiện đáng kể; quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm; nguy cơ mất an toàn giảm. Hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa lần đầu và thực hiện lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, tăng vốn điều lệ, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và đang triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng liên doanh. Về xử lý nợ xấu, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4 năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 4,67%. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu là 7,8%. Về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; khắc phục tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao nhưng thị trường vàng đã ổn định hơn. Về trung và dài hạn, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và với sự can thiệp của NHNN, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp dần. Thêm 400 bệnh viện đi vào hoạt động Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011- 2020 và nhiều đề án quan trọng về đào tạo nhân lực ngành Y tế, giảm tải bệnh viện,.... Trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây mới, mở rộng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến trung ương đến cơ sở. Trong 2 năm (2011, 2012), với nguồn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 400 bệnh viện huyện, tỉnh, theo Đề án 47 và 930; tuyến Trung ương đưa vào sử dụng 1.350 giường bệnh mới thuộc một số chuyên khoa đang quá tải trầm trọng. Về vấn đề y đức, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, hình thành bộ môn Y đức trong các trường đại học, cao đẳng y tế; áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện tiêu chuẩn ISO trong công tác khám, chữa bệnh; ngành Y tế đang khẩn trương xây dựng tiêu chí kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế. Chính phủ cũng chỉ đạo rà soát, sửa đổi một số bất cập về quản lý giá thuốc, công bố giá thuốc, thực hiện các quy định mới về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế; định kỳ cập nhật và công bố kết quả giá thuốc trúng thầu. Thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, phấn đấu từ năm 2018 giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí (trực tiếp và gián tiếp). Về đảm bảo bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bộ máy tổ chức quản lý an toàn thực phẩm các cấp dần được hoàn thiện để thực hiện nhiệm vụ. Trong 5 tháng đầu năm, đã xảy ra 50 vụ ngộ độc thực phẩm với 1238 người mắc, trong đó tử vong 15 người; so với cùng kỳ năm trước, giảm 13,8% số vụ, 32,4% số người mắc, số tử vong tăng 2 người (15,4%). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong 6 tháng qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo; các Bộ và địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện. Nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực như: giãn, hoãn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát cơ bản nhập khẩu gia cầm trái phép; rà soát tổng thể quy hoạch xây dựng; hoàn thiện quản lý chất lượng và chi phí các công trình xây dựng; giảm mặt bằng lãi suất; quản lý thị trường vàng; cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại yếu kém; quản lý giá thuốc; quản lý an toàn thực phẩm; khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh... Tuy nhiên, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện. Theo chinhphu.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|