Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp |
Thứ hai, 03/06/2013, 15:48 GMT+7 |
Hôm nay (3/6), Quốc hội bắt đầu thảo luận ở Hội trường về bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được tiếp thu, chỉnh sửa sau khi lấy ý kiến nhân dân. VnMedia xin điểm một số điều đã được Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình... Ảnh minh họa Theo đó, trước hết, về Lời nói đầu, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến nhân dân, trên cơ sở kế thừa nội dung cơ bản Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, Lời nói đầu trong Dự thảo lần này đã được chỉnh lý theo yêu cầu ngắn gọn và súc tích hơn, nêu khái quát truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, sự ra đời của Đảng và Nhà nước gắn với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xác định rõ mục tiêu, chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Một trong số các vấn đề quan trọng được nêu ra trong thời gian gần đây, đó là ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi nước ta là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Về vấn đề này, theo giải trình của Ủy ban DTSĐHP, tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ hình thức chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Về Điều 4, tổng hợp của Ban soạn thảo cho thấy, nhìn chung, đại đa số ý kiến nhân dân tán thành về việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị yêu cầu phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập vì như vậy mới bảo đảm dân chủ. Về vấn đề này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giải thích: về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền của nhân dân tự mình quyết định hoặc tham gia với Nhà nước quyết định với những vấn đề nhất định. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hình thức chính trị - nhà nước. Nó thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính nhà nước và pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Vì vậy, không ai khẳng định là nhiều đảng sẽ tốt hơn một đảng. Về thực tiễn, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bởi vì, ở nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn mang tính lịch sử và phù hợp với thực tế, hoàn cảnh xã hội nước ta. Điều đó được thể hiện và được đảm bảo trong đạo luật cơ bản của Nhà nước là Hiến pháp. Trên thế giới, tuy có nhiều nước tuyên bố theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng thực chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản mặc dù các đảng này có thể có các tên gọi khác nhau. Các đảng thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp tư sản. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau (thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực) và điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội. Do vậy, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội. Chương 2 - Quyền con người - là chương nhận được nhiều góp ý nhất, với khoảng 5,6 triệu ý kiến. Theo Ban soạn thảo có tới 8 loại ý kiến về Chương này, trong đó có đề nghị cần làm rõ, phân biệt khái niệm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp; đề nghị xem lại cách quy định về quyền con người và quyền công dân, tách riêng quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau; đề nghị có các quy định bảo đảm tính hiện thực, khả thi của các quyền, trong đó có đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về quyền con người; đề nghị, trong một số trường hợp cần có quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm bảo đảm nguyên tắc việc hưởng quyền phải tương ứng với thực hiện nghĩa vụ... Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội như hiện nay, thu hồi đất trở thành vấn đề “nóng bỏng” và nhận được nhiều góp ý của nhân dân. Theo tổng hợp cho thấy, có 4 loại ý kiến chính cho Điều 58 quy định về thu hồi đất. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của Dự thảo nhưng đề nghị xác định rõ các nguyên tắc thu hồi đất. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định về thu hồi đất đối với trường hợp đã có quyền sử dụng đất mà chỉ thu hồi đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, kế hoạch, quy hoạch. Tất cả các trường hợp khác đều sử dụng hình thức trưng mua. Loại ý kiến thứ ba đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia hoặc lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp vì lý do “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế – xã hội đã thể hiện lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; đồng thời, cũng tránh việc lạm dụng quy định này để thu hồi đất tràn lan. Loại ý kiến thứ tư cho rằng, việc quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản dễ dẫn đến mâu thuẫn vì đã xác định quyền sử dụng đất là quyền tài sản tức là có quyền sở hữu và các quyền liên quan, việc thu hồi đất là không hợp lý vì quyền tài sản thì Nhà nước phải trưng mua. Theo giải trình của Ủy ban DTSĐHP, thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai, vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định cơ chế thu hồi đất vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Tuy nhiên, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc của việc thu hồi, bồi thường, đó là “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”; nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức thu hồi, bồi thường sẽ được xác định trong luật. Về trường hợp thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh việc thu hồi đất tràn lan, Dự thảo quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”. Về ý kiến cho rằng quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản dễ dẫn đến mâu thuẫn vì đã xác định quyền sử dụng đất là quyền tài sản tức là có quyền sở hữu và các quyền liên quan, việc thu hồi đất là không hợp lý vì quyền tài sản thì nhà nước phải trưng mua, Ủy ban DTSĐHP phân tích: quyền sử dụng đất là quyền tài sản Hiến định được trao cho công dân và gắn với một mảnh đất, thửa đất cụ thể. Tuy nhiên, đây là quyền có điều kiện và gắn với một đối tượng cụ thể là đất đai. Trong khi đó, đối tượng của quyền sử dụng đất - đất đai - lại thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Do đó, Nhà nước có quyền thu hồi lại mảnh đất mà Nhà nước đã giao cho một người đang sử dụng. Điều này không có nghĩa là Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất (quyền tài sản) của người sử dụng đất mà Nhà nước thu hồi đất - đối tượng của quyền sử dụng đất. Với các lý do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị không thể hiện việc trưng mua quyền sử dụng đất trong Dự thảo. Theo VnMedia Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|