top-banner-2

Chủ nhật, 16/10/2016, 12:05 GMT+7

Thương hiệu gạo, có đâu mà mất!

Chủ nhật, 16/10/2016, 12:05 GMT+7

Gần đây, thông tin số lượng lô hàng gạo xuất đi Mỹ bị trả về tăng đột biến. Có thể, với nhiều người đây là tin không vui và cho rằng, chuyện này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam. Nhưng với những người trong ngành thì đây là hệ quả tất yếu.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn để chủ động vùng nguyên liệu, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra những sản phẩm đồng đều, chất lượng cao đang là hướng đi mà nhiều công ty lương thực hướng tới (Ảnh minh họa).

Việt Nam đã có thương hiệu gạo?

Theo một báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), số lượng giống lúa được sử dụng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất đa dạng và phong phú khi mỗi mùa vụ luôn có 180-200 giống lúa được nông dân chọn để gieo trồng.

Với số lượng giống lúa nhiều như vậy, kèm theo cách thu mua lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL với nhiều tầng nấc khác nhau, từ các thương lái đến các doanh nghiệp, nhà máy xay xát trước khi đưa vào kho của các công ty lương thực. Trong quá trình này, hàng trăm giống lúa đã được trộn lẫn vào nhau. Và khi bán ra thị trường, chẳng ai biết trong 1 kg gạo có bao nhiêu giống lúa.

Vì thế, gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ có thể tính theo gạo 5%, 15% hay 25% tấm chứ ít khi có gạo thơm đặc sản như người Thái đang chào bán gạo Thai Hom Mali với giá trị 830 USD/tấn, cao hơn gần 2 lần gạo 5% tấm của Việt Nam.

Chính vì chưa có thương hiệu gạo và chưa chọn được những giống lúa nào để làm sản phẩm chủ lực nên trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn về việc xây dựng thương hiệu gạo. Đã có ít nhất 4 cuộc họp về vấn đề này trong thời gian gần đây, song mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu. Và vẫn phải chờ những cuộc họp tiếp theo để nói tiếp câu chuyện thương hiệu gạo.

Hệ quả tất yếu

Như đã đề cập ở trên, trong nhiều năm qua, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo từ thương lái rồi bán ra thị trường chứ ít có một chiến lược kiểu như xây dựng vùng nguyên liệu để làm ra những sản phẩm chất lượng. Thay vào đó, cứ đến vụ là mua từ nông dân rồi xuất khẩu. Đây là lý do gạo Việt Nam chỉ có thể bán cho những thị trường cấp thấp, và tại đó, dù không nói ra nhưng ai cũng biết đó là những nước không quá nghiêm ngặt trong vấn đề an toàn thực phẩm.

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chủ yếu là các nước châu Á, hiện có xu hướng tăng dần từ hơn 59% năm 2010 lên gần 74,5% năm 2015. Trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; còn các nước ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia khoảng 24,5%, số còn lại là thị trường châu Phi.

Gần đây, một số doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng từ Mỹ, một thị trường nổi tiếng khắt khe, song hàng bị trả về do không bảo đảm những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Mấy năm trước, để làm thương hiệu cho hạt gạo, Bộ NN&PTNT đưa ra mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó yêu cầu doanh nghiệp muốn được xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu, tức là phải tham gia làm cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc họp, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bằng cách này hay cách khác đã tìm những lời lẽ, lý do để từ chối không làm.

Do đó, gạo Việt Nam bị trả về khi xuất qua Mỹ là một hệ quả tất yếu của một nền sản xuất lúa gạo như hiện nay.

Muộn còn hơn không

Khác với Thái Lan, quốc gia diện tích trồng lúa lớn hơn 2 lần so với nước ta, lại không bị áp lực về an ninh lương thực do dân số chỉ bằng 2/3 của Việt Nam, nên mỗi năm một phần lớn diện tích trồng lúa của Thái Lan chỉ làm một vụ lúa và thường chọn giống lúa dài ngày.

Việc chọn giống lúa dài ngày sẽ làm cho chất lượng gạo tốt hơn, trong khi Việt Nam, trước áp lực an ninh lương thực, nên trong nhiều năm qua đã làm 3 vụ, vì thế thường chọn giống lúa ngắn ngày, năng suất cao. Đổi lại, chất lượng gạo không cao.

Theo Cục Trồng trọt, trong hơn 15 năm qua, năng suất lúa ở ĐBSCL, nơi cung cấp 90% lượng lúa xuất khẩu đã tăng đáng kể, từ 4,22 tấn/ha vào năm 2001 và nay ở mức trung bình 6,4 tấn/ha.

Tuy nhiên, đi liền với việc tăng năng suất, dịch bệnh trên cây lúa cũng bùng phát nhiều hơn. Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, có những mùa vụ dịch bệnh diễn biến phức tạp, những bệnh như rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở một số vùng chiếm tới 70-80% diện tích lúa bị nhiễm.

Và vì thế, chuyện nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có sự kiểm soát là tất yếu như một cách để bảo vệ nồi cơm của mình. Đây là lý do gạo xuất sang Mỹ và bị trả về.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng nhận thấy điều này, nên trong năm nay đã hơn một lần muốn xây dựng cánh đồng mẫu lớn để chủ động vùng nguyên liệu, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trước đó, Vinafood 2 luôn đứng về phía "phản đối" cánh đồng mẫu lớn.

Bước đầu, Vinafood 2 sẽ làm việc với Bến Tre để xây dựng cách đồng mẫu lớn mà mục tiêu là sản xuất gạo xuất khẩu sang Mỹ. Vinafood 2 đặt mục tiêu với việc có được cánh đồng mẫu lớn, đến năm 2020, Tổng Công ty này sẽ xuất được 100.000 tấn gạo vào Mỹ.

Việc các đơn hàng xuất gạo sang thị trường Mỹ bị trả về mặc dù không vui nhưng có lẽ nó đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu tầm quan trọng của mô hình cánh đồng mẫu lớn mà trước đây họ đã từ chối tham gia.

Theo Chinhphu.vn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thương hiệu gạo, có đâu mà mất!

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc