top-banner-2

Thứ năm, 30/05/2013, 09:22 GMT+7

Chính sách tiền tệ nhìn từ phía các ngân hàng ngoại

Thứ năm, 30/05/2013, 09:22 GMT+7

Đề cập tới kết qủa điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ và NHNN, một số tổ chức tín dụng cho rằng việc điều hành  hạ lãi suất vừa qua là hợp lý, tuy nhiên vẫn cần thận trọng và phải kết hợp các chính sách tài khóa trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Tỷ giá ổn định, nhà đầu tư yên tâm

Ông Sumit Dutta - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, NHNN điều hành linh hoạt các kênh cung ứng tiền để kiểm soát tiền tệ hợp lý theo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong điều kiện mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước qua đó hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, điều hành linh hoạt thị trường mở thông qua việc duy trì và thường xuyên chào mua giấy tờ có giá để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng một cách kịp thời.

Nhờ vào cách điều hành linh hoạt của NHNN, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối đạt trên 12 tuần nhập khẩu. Rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao nỗ lực của NHNN trong việc duy trì tỷ giá ổn định trong năm 2012 và năm tháng đầu năm 2013. Niềm tin của người dân vào tiền đồng tăng cao được thể hiện qua sự chuyển dịch tiền gửi tiết kiệm từ vàng và ngoại tệ sang tiền đồng.

Ông Sumit Dutta cho rằng, NHNN đã theo sát thị trường ngoại hối và can thiệp ngay khi thị trường có các biến động nhỏ như việc sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng tăng cung, can thiệp bình ổn thị trường vàng. Chính cách thức này đã giúp hạn chế sự biến động mạnh của thị trường mà lại không tốn dự trữ quốc gia cho việc can thiệp.  

Giảm lãi suất hợp lý nhưng cần thận trọng

Còn ông Louis Taylor, Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam khẳng định: Khi lạm phát được kiểm soát ở mức 6-8%, nhà đầu tư sẽ có cơ sở thực tế để đưa ra các quyết định đầu tư. Khi nói đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và khả năng hấp thụ vốn tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cần chú ý đến 2 khía cạnh, cung và cầu. Về khía cạnh nguồn cung, mặc dù thanh khoản của các ngân hàng đã trở nên dồi dào, nhưng vấn đề vẫn không dễ để tìm khách hàng chất lượng để cho vay.

Về phía nguồn cầu, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 5% là khá thấp. Do đó, niềm tin trên thị trường không đủ để khuyến khích người dân và doanh nghiệp tiếp tục đầu tư ở thị trường nội địa hay vay vốn để đầu tư. Nhưng không nên để nguồn thanh khoản dồi dào hiện tại chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, thay vào đó, điều cần làm là thúc đẩy dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất. Nếu điều đó được thực hiện, sẽ duy trì được sự ổn định, đó chính là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Cũng về vấn đề này, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ VietNam nhận định: Lãi suất giảm xuống mức hợp lý tạo điều kiện cho người dân có thể vay tiền mua nhà hoặc đầu tư cho việc kinh doanh của mình. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt cho phép doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện chất lượng tăng trưởng

Tuy nhiên, ông Sumit Dutta- Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ và NHNN nên tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để cải thiện chất lượng tăng trưởng; cẩn trọng với việc điều hành chính sách để kích cầu hơn tránh để lãi suất giảm quá nhanh dẫn đến tăng lạm phát và đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy lạm phát. Bên cạnh đó nên chú trọng phục hồi và kích thích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất đầu tư chứ không chỉ quá chú trọng vào tăng trưởng tín dụng bao nhiêu. Các doanh nghiệp nên đánh giá lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, mạnh dạn rút khỏi thị trường nếu khó có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp kêu gọi thêm chủ sở hữu từ bên trong, bên ngoài nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Việc Chính phủ cho ra đời VAMC được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực để xử lý khối nợ xấu đang đè lên hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung. Đồng thời, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề nợ xấu như xác định rõ cơ chế hoạt động, định giá các khoản nợ xấu hợp lý.

Khuyến nghị  về chính sách tài khóa, ông Sumit Dutta- Tổng Giám  đốc HSBC Việt Nam cho rằng: Cần phải quyết liệt hơn trong chính sách tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Nếu chúng ta để nền kinh tế "nguội" quá lâu, chi phí kích thích sẽ rất cao và xác xuất thành công kém. Quá trình tái cấu trúc DNNN cũng cần phải đẩy nhanh hơn nữa.

Theo chinhphu.vn

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chính sách tiền tệ nhìn từ phía các ngân hàng ngoại

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc