top-banner-2

Thứ tư, 29/05/2013, 08:22 GMT+7

Tòa án hiến pháp trong thực tế Việt Nam

Thứ tư, 29/05/2013, 08:22 GMT+7

Là người đã có 4 lần tham gia vào công tác sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phân tích rất sâu về 3 thiết chế độc lập là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử và Kiểm toán nhà nước.

Ảnh minh họa

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: Ngay từ đầu tôi đã không đồng tình việc có Hội đồng Bảo hiến

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, trong 3 thiết chế độc lập là Hội đồng Hiến pháp, kiểm toán nhà nước và hội đồng bầu cử thì điều gây tranh luận nhiều nhất là Hội đồng Bảo hiến mà một số nước gọi là Tòa án Hiến pháp.

“Là người trong Ban biên tập, ngay từ đầu tôi đã không đồng tình việc có Hội đồng Bảo hiến” – ông Quyền khẳng định ngay khi bắt đầu phát biểu về vấn đề này và chỉ rõ, nghiên cứu về thiết chế, chính trị và tổ chức bộ máy của nhiều nước trên thế giới cho thấy, Hội đồng Bảo hiến và đặc biệt là Tòa án Hiến pháp phát triển rất mạnh và hoàn thiện ở những thiết chế chính trị có nhiều đảng phái.

“Chỉ khi sự phân lập quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp lên đỉnh điểm thì Hội đồng Bảo hiến, Tòa án Hiến pháp mới phát triển và hoàn thiện để cho sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái và thậm chí sự xung đột quyền lực giữa 3 nhánh quyền lực nằm trong vòng không ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và lợi ích nhân dân. Nó gần như là nơi giải quyết mối mâu thuẫn giữa các đảng phái và sự phân chia quyền lực chứ không phải là cái mà lâu nay chúng ta nghĩ, đó là Tòa án Hiến pháp và Hội đồng Bảo hiến liên quan đến các vấn đề của công dân. Tòa án Hiến pháp chủ yếu là để phân định quyền lực của các đảng phái chính trị, phân định quyền lực giữa sự tranh chấp của các nhánh quyền lực” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu rõ.

Trên cơ sở những phân tích trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi: “Vậy, ở nước ta có cần vấn đề đó không?” và câu trả lời của đại biểu này là không cần.

“Nước ta đặt toàn bộ xã hội và nhà nước dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Chúng ta lại có hệ thống chính trị với rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, chúng ta lại thực hiện dân chủ hóa... thì có cần phải có một bộ máy để phân chia các quyền lực nhà nước hay không khi mà quyền lực ở nước ta là thống nhất và thuộc về nhân dân? Theo nguyên lý đó thì tôi thấy ở nước ta, không cần có Tòa án Hiến pháp và Hội đồng Bảo hiến” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền khẳng định.

Theo ông, chức năng hiện nay đang giao cho Hội đồng Bảo hiến thì ở Việt Nam, thực ra là chức năng mà Ủy ban Pháp luật đã làm từ lâu. “Không những Ủy ban Pháp luật mà 9 Ủy ban và Hội đồng Dân tộc đều làm, đó là bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật” – đại biểu đoàn Hà Nội chỉ rõ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng thừa nhận, "những chức năng đó chúng ta làm chưa tốt nên bây giờ phải làm cho tốt hơn" và trên thực tế, mặc dù ở Việt Nam chưa có văn bản nào, đạo luật nào được coi là vi hiến, nhưng do có sự kiểm soát văn bản của cấp trên đối với cấp dưới, nếu không phù hợp thì hủy bỏ. “Đó là giám sát văn bản của HĐND, UBND, là Cục Kiểm soát văn bản của Bộ Tư pháp... Chúng ta hoàn toàn có những cơ chế để xử lý văn bản không phù hợp với quy định của hiến pháp” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận định.

Về vấn đề Hội đồng bầu cử quốc gia, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng cần phải nghiên cứu một cách bài bản để hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển.

Ông phân tích: "Lâu nay chúng ta vẫn có hội đồng này. Mỗi lần bầu cử chúng ta thành lập hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử, tổ bầu cử... chỉ có điều khi thực hiện hết nhiệm vụ thì giải tán. Nhưng khi nghiên cứu ở các nước thì thấy rằng, Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoạt động thường xuyên, làm nhiệm vụ thực hiện bầu cử ở cả trung ương và địa phương. Ở một số nước, 1/3 nhiệm kỳ đã tiến hành bầu cử để loại ra 1/3 số đại biểu, và 1/3 số đại biểu mới vào. Thứ hai là Hội đồng này thực hiện trưng cầu dân ý, Việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp và các đạo luật cũng do Hội đồng này thực hiện.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng làm nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa chế độ dân chủ đại diện. Thậm chí một số hội đồng bầu cử quốc gia còn có Viện nghiên cứu về pháp quyền, về đại diện và về dân chủ” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền dẫn chứng và cho rằng “đã đến lúc nền dân chủ đại diện của chúng ta cần phải có nghiên cứu một cách bài bản để trong quá trình phát triển được hoàn thiện hơn”.

Về Kiểm toán nhà nước, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đây là phương diện kiểm soát việc thực hiện các nguồn lực của nhà nước, ngân sách nhà nước và đây cũng là thể chế hóa nguyên lý kiểm soát quyền lực nhà nước.

“Việc chi tiền, việc tiêu tiền là một quyền lực và phải được kiểm soát chặt chẽ. Quyền lực đưa tiền của dân ra để chi cho cái gì, đầu tư ra làm sao, hiệu quả thế nào đều phải được kiểm soát chặt chẽ” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

Theo VnMedia


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tòa án hiến pháp trong thực tế Việt Nam

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc