top-banner-2

Thứ năm, 16/05/2013, 09:16 GMT+7

Lãi suất và kích cầu

Thứ năm, 16/05/2013, 09:16 GMT+7

Lãi suất điều hành tiếp tục đợt cắt giảm lần thứ 2 kể từ đầu năm năm 2013. Theo đó, lãi suất cho vay đang được điều chỉnh hầu hết về mức 13%/ năm. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là mức lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường, vì thực tế trước khi lãi suất điều hành cắt giảm, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình với mức phí và lãi suất thấp.
 
Biểu đồ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn từ tháng 1-4/2013

Quyết định về việc giảm các lãi suất điều hành quan trọng mà NHNN ban hành ngày 10/5 chính thức có hiệu lực đầu tuần này. Với mức giảm lãi suất điều hành có hiệu lực, mặt bằng lãi suất về ngang với mức lãi suất trong thời kỳ nền kinh tế ổn định như năm 2004. Lãi suất cho vay danh nghĩa cũng đã về sát mức kỳ vọng của những người đi vay.

“Sóng hạ” lãi vay

Nói lãi suất danh nghĩa là vì đây mới chỉ là thông báo của các ngân hàng. Lộ trình đi vào thực hiện đương nhiên bao giờ cũng có “độ trễ”, dù ngắn; đồng thời sẽ phụ thuộc vào các tiêu chí mà các ngân hàng đề ra cho các khoản vay, đối tượng vay… Vì vậy, nỗ lực hạ lãi suất điều hành của NHNN, và việc “nghe nhạc hiệu đoán chương trình” - đi trước, mở đường cho chính sách của tứ trụ các NH quốc doanh/ cổ phần trong tuần qua, được thị trường đánh giá cao, nhất là ở góc độ tâm lý.

Còn tác dụng đối với thực tiễn, một cách thận trọng, khối phân tích Ngân hàng HSBC VN cho rằng, “trong khi động thái này đánh dấu tham vọng của NHNN trong việc hỗ trợ cầu, chúng tôi không nghĩ động thái này sẽ có tác động kích thích mạnh đối với tăng trưởng tín dụng. Với việc nền kinh tế đang ở trong giai đoạn cắt giảm nợ vay và thị trường tài chính đang đóng băng, chỉ có những cải cách mạnh mẽ mới có thể thực sự thay đổi tình hình nền kinh tế trong ngắn hạn”. HSBC cũng nhấn mạnh: “nếu không có các cải cách quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, những động thái tiền tệ hôm nay sẽ không thể kích thích cầu tín dụng trong nước”. Bộ phận phân tích của NH này cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, đều tỏ ra gặp nhau ở kỳ vọng vào Cty Xử lý nợ quốc gia, với kế hoạch cụ thể sẽ được công bố trong tháng 5, nhưng lại không tin tưởng đây sẽ cú hích để cải thiện các vấn đề lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, trong quý I/2013, tăng trưởng tín dụng dù có tín hiệu khá khẩm hơn so với cùng kỳ năm trước, song 0,1% vẫn là mức còn rất cách xa so với chỉ tiêu tín dụng của toàn năm 12%. Nợ xấu cao (trên 6% - theo số liệu công bố của Văn phòng Chính phủ) và tồn kho lớn được cho là 2 nguyên nhân làm tê liệt tăng trưởng tín dụng. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế VN, nhận định bên cạnh tăng trưởng tín dụng yếu, thu chi ngân sách yếu hơn hẳn các năm trước (thu chỉ đạt 16,7%, còn chi ngân sách dù đã đẩy mạnh cũng chỉ chỉ đạt 18,5% dự toán năm) đang biểu lộ khả năng hấp thụ vốn cực yếu của nền kinh tế. Cùng với đó, số DN đóng cửa tăng cao xấp xỉ số DN đăng ký mới (15.300 ~ 15.700 DN), là những con số đáng ngại đối với nỗ lực khơi cầu tín dụng.

“Chạy đuổi” thị trường

Với những tổ chức quy mô nhỏ như các quỹ tín dụng nhân dân, do hầu hết đều cung cấp tín dụng là các khoản vay nhỏ, nên nhìn chung, lãi suất cho vay chỉ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn lãi suất của các NHTM Nhà nước trên thị trường, ở khoảng 12-16% trước thời điểm 10/5. Ưu điểm ở các Quỹ tín dụng nhân dân là giải ngân dễ, tiêu chí xét giải ngân không quá ngặt, không cần tài sản đảm bảo. Tất nhiên, doanh số phát vay, mức bình quân khoản vay không lớn. Ở các quỹ, tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ rủi ro vốn đầu tư đều không đáng quan ngại. Ví dụ, tại CEP – Quỹ hỗ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm ở khu vực phía Nam - trong năm 2012, mức vay bình quân của 266.512 khoản vay là 9.297.302 đồng. Đây là giá trị khoản vay bình quân cực kỳ khiêm tốn so với nhu cầu vay vốn để cải thiện đời sống, duy trì hoặc tự tạo việc làm đối với đại đa số người có thu nhập thấp hiện nay.

Còn đối với các tổ chức tín dụng ngân hàng, do cầu tín dụng DN – đối tượng truyền thống hấp thụ vốn tín dụng – vẫn đang hụt hơi, nên để bù đắp doanh thu, hầu hết đều nỗ lực kiến tạo các chương trình cho vay khác nhau, với lãi suất ưu đãi nhằm đẩy mạnh cầu vay. Theo đó, các chương trình chủ yếu tập trung các đối tượng có thu nhập trung bình, cao cấp. Thực tế, các chương trình như vậy cũng được nhiều ngân hàng “rỉ rả” thực thi suốt hơn 1 quý, kể từ đầu năm 2013. Đặc biệt, tập trung nhiều vào dịch vụ cho vay mua nhà ở - mảng mà NHNN đã “tháo ách” khỏi tín dụng phi sản xuất.

Điển hình như tại Vietcapital Bank (VCCB) từ tháng 1 đến 28/6/2013, ngân hàng này đã triển khai chương trình “Căn nhà mơ ước” với mức lãi suất ưu đãi 10%/năm. Trị giá gói hỗ trợ trị giá là 300 tỉ đồng, áp dụng đối với khoản vay mới, được ký kết và giải ngân trong thời hạn của chương trình. Mức lãi suất này khá lý tưởng đối với người có nhu cầu vay mua nhà ở thương mại, trong bối cảnh gói tín dụng hỗ trợ người mua nhà ở xã hội với lãi suất 6% chưa chính thức giải ngân. Cùng với VCCB, một loạt các ngân hàng như BIDV, VIB, Techcombank, MaritimeBank, Vietcombank, ACB… đều có các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất dao động trên dưới 10% cho người vay mua nhà ở. Đặc điểm chung của các gói này là hỗ trợ lãi suất vay thời gian đầu, sau một thời gian sẽ điều chỉnh về lãi suất thỏa thuận trên thị trường với biên độ  ± 4% so với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, tức khoảng 12-14%/ năm. Cá biệt, Vietcombank còn tung gói hỗ trợ cho vay mua nhà với lãi suất 9-12 tháng đầu tiên là 0%, giải ngân ở một số chi nhánh cụ thể với các dự án Flamingo Đại Lải Resort, Ehome 3…

Cho vay tiêu dùng mua xe ôtô cũng là dịch vụ được nhiều ngân hàng nhắm đến nhằm nỗ lực đẩy mạnh giải ngân. VPB, VIB, VCB đều thiết kế các gói cho vay mua xe ôtô với mức lãi suất chỉ nhỉnh hơn trần lãi suất huy động khoảng 0,2%. Mới nhất, ngay sau quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành chủ chốt của NHNN, VCCB cũng đang lên kế hoạch tung gói ưu đãi cho vay tiêu dùng lãi suất 0% dành cho các đối tượng khách hàng cá nhân vay mua xe ôtô và vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo. Hạn mức vốn của chương trình là 500 tỉ đồng, thời hạn giải ngân đến hết tháng 12/2013…
Có thể thấy, đã và đang có sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất cho vay trên thị trường, đặc biệt cho các khách hàng cá nhân, với chính các mức lãi suất điều hành chủ chốt của NHNN. Theo đó, các NHTM đang tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cá nhân từ các dịch vụ để bù đắp cho sự èo uột của tăng trưởng tín dụng, với khách hàng DN. “Đây không chỉ là sự chia sẻ của các ngân hàng với khó khăn của khách hàng, mà cũng là một sự chung tay góp sức để khơi cầu nội địa. Khi khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, tức đã góp phần giải phóng một lượng hàng tồn của DN và đẩy nhanh hơn vòng quay sản xuất. Ngân hàng cùng người mua trên thị trường đang nỗ lực mở ổ khóa – sức mua - vốn vẫn giam lỏng hoạt động của đại đa số các DN trên thị trường nội địa hiện nay” - tổng giám đốc một NHTM cổ phần cho biết.

Theo dddn

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lãi suất và kích cầu

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc