Nghị định 10/2013/NĐ-CP: Phát huy nguồn lực tài chính hạ tầng giao thông đường bộ |
Thứ năm, 02/05/2013, 10:30 GMT+7 |
Ngày 11/1/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2013/NĐ-CP, quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ảnh minh họa Mục đích của văn bản này là nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả và tạo nguồn vốn phục vụ bảo trì và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bài viết phân tích những điểm đáng lưu ý tại Nghị định quan trọng này. Thực tiễn và một số yêu cầu đặt ra Nước ta hiện có tổng số trên 295.000 km đường bộ, gồm trên 17.000 km quốc lộ, gần 25.500 km đường tỉnh, 18.868 km đường đô thị, 9.278 km đường chuyên dùng, 51.720 km đường huyện, khoảng 161.136 km đường xã và trên 28 nghìn cây cầu lớn nhỏ các loại… Hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (GTĐB) ở nước ta hiện đang đảm nhận khoảng 90% về vận tải hành khách, 70% về vận tải hàng hoá trong toàn bộ hệ thống giao thông vận tải của cả nước. So với những năm đầu của thập kỷ 90, tổng chiều dài đường bộ của cả nước đã tăng lên gần 2 lần. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng GTĐB của Đảng và Nhà nước trong điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn hẹp. Trong khi đó, quy hoạch phát triển GTĐB Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ: Đến năm 2020, hệ thống GTĐB phải đáp ứng vận chuyển 5,5 tỷ hành khách, với 165,5 nghìn hành khách luân chuyển, vận chuyển 760 triệu tấn với 35 tỷ tấn hàng hóa luân chuyển, phương tiện ô tô các loại khoảng 2,8-3 triệu xe. Theo đó, chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành những năm tới là xây dựng 24 tuyến, đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.381 km; hoàn thành xây dựng các cầu lớn thay thế 100% các cầu yếu trên quốc lộ; dành quỹ đất cho xây dựng hạ tầng GTĐB đô thị đạt bình quân 16-26% quỹ đất xây dựng đô thị; 100% xã, cụm xã có đường ô tô đến trung tâm… Để hoàn thành các nhiệm vụ này, đòi hỏi phải bố trí một nguồn vốn rất lớn, bình quân khoảng 150.000 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 7,5 tỷ USD. Trong khi khả năng ngân sách, nguồn vốn ODA, trái phiếu chính phủ chỉ đáp ứng được khoảng từ 3-4 tỷ USD, tương đương khoảng từ 30-45% nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường bộ. Từ những hạn chế nêu trên, các nghiên cứu về giải pháp phát triển GTĐB ở Việt Nam đã chỉ rõ, ở bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần phải thực hiện đồng thời cùng lúc 2 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, thực hiện đầu tư xây dựng mới các tuyến GTĐB nhằm bổ sung hoàn thiện mạng lưới GTĐB theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hai là, đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB hiện có để duy trì năng lực phục vụ hiện tại và kéo dài tuổi thọ của các công trình. Đây là giải pháp nhằm chia sẻ, giảm bớt gánh nặng thực tế là các tuyến giao thông đang “khát vốn” để đầu tư xây dựng mới. Bên cạnh đó, khảo sát thực tế cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB cho thấy còn nhiều bất cập: Thứ nhất, quan niệm trách nhiệm quản lý và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB là trách nhiệm riêng của Nhà nước vẫn còn phổ biến. Vì vậy, trách nhiệm này chưa được quan tâm chia sẻ. Thực tế, hiện nay nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng GTĐB vẫn do NSNN đảm bảo gần như toàn bộ; Thứ hai, nguồn lực nhà nước còn hạn hẹp, lại phải dốc sức tập trung ưu tiên thực hiện những dự án cấp bách nên nhiệm vụ này cũng chưa được quan tâm thỏa đáng. Do đó, kinh phí cho bảo trì còn thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 40%; sự phân cấp trách nhiệm quản lý sử dụng, trách nhiệm bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông chưa triệt để… Những quy định tạo bước đột phá Trên cơ sở thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược và khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên. Nghị định này gồm 5 Chương, 50 Điều quy định về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả và tạo nguồn vốn bảo trì và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB. Quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ Theo quy định của Nghị định thì nội dung quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ bao gồm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ, định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ, chế độ bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ, chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB; lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ; quản lý nguồn tài chính phát sinh; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Trách nhiệm quản lý nhà nước chủ yếu là thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính; UBND các cấp; Cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý; Tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao bảo trì, khai thác sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ. Quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ Hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của Nghị định gồm: (i) Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản hạ tầng đường bộ; (ii) Báo cáo kê khai; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ; cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ chịu trách nhiệm lập hồ sơ. Nhà nước thực hiện giao cho tổ chức, cá nhân có năng lực và nhu cầu thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ. Theo đó, Nghị định đã cụ thể hóa tiêu chí, minh bạch thông tin đối với hoạt động bảo trì để thu hút khu vực tư nhân tham gia. Bên cạnh đó, Nghị định quy định về việc giao bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng trong một thời gian nhất định. Quy định này chỉ áp dụng đối với hoạt động bảo trì là bảo dưỡng thường xuyên. Cơ chế này một mặt khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng xây lắp, kéo dài tuổi thọ công trình, giảm chi phí bảo trì; mặt khác, khắc phục thực trạng hiện nay là người thực hiện bảo trì hầu như không có thông tin về chất lượng xây lắp thực tế, nên không dám nhận khoán hoạt động bảo dưỡng thường xuyên. Với quy định về bảo trì đường bộ theo chất lượng thực hiện, Nghị định đã tạo bước đổi mới công tác quản lý hoạt động bảo trì hiện nay theo hướng khoán cho người bảo trì chủ động thực hiện, đảm bảo duy trì kỹ thuật đường bộ đã nhận khoán. Căn cứ kết quả thực hiện thực tế, Nhà nước sẽ thanh toán cho người bảo trì theo đơn giá khoán quy định tại hợp đồng. Cơ chế này khắc phục được tình trạng “ổ gà chưa sửa, phải chờ ổ voi” hiện nay và sẽ làm giảm đáng kể chi phí bảo trì… Cùng với đó, việc quản lý, sử dụng đất gắn liền với tài sản hạ tầng đường bộ cũng được quy định để phù hợp với yêu cầu của hệ thống GTĐB hiện đại (cần có quy định về việc dành riêng quỹ đất một cách hợp lý phục vụ cho các hoạt động dịch vụ hỗ trợ GTĐB). Nghị định quy định, quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ gồm: Đất gắn liền với tài sản hạ tầng đường bộ; Đất dịch vụ hỗ trợ GTĐB gồm: đất trạm bảo dưỡng, sửa chữa, kinh doanh phụ tùng thay thế, trạm cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ hỗ trợ GTĐB khác có liên quan. Về hình thức sử dụng đất đối với quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ, Nghị định thể hiện rõ quan điểm: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ, không nhằm mục đích kinh doanh; Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ có mục đích kinh doanh; trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Khai thác tài sản hạ tầng và quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ Nhằm huy động nguồn lực tài chính từ các tài sản hạ tầng đường bộ hiện có, Nghị định quy định các phương thức khai thác như: - Bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ: Theo cơ chế này thì căn cứ theo lưu lượng vận tải thực tế, khả năng thu phí của từng tài sản hạ tầng đường bộ và tác động của việc thu phí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ hàng năm, Nhà nước thực hiện rà soát và bán quyền thu phí đối với tài sản hạ tầng là đường bộ hiện có cho tổ chức, cá nhân trong một thời gian nhất định theo hình thức đấu giá. Tổ chức, cá nhân mua được quyền thu phí được thu phí theo phương án bán; đồng thời chịu trách nhiệm bảo trì tài sản trong thời hạn mua bảo đảm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản. Số tiền thu được từ bán quyền thu phí dùng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật và NSNN. - Cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ: Theo cơ chế này, Nhà nước thực hiện đấu thầu cho thuê đối với bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ; Các công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp (điện lực, chiếu sáng, thông tin liên lạc), đường ống (cấp nước, thoát nước, cấp nhiên liệu) và các công trình khác lắp đặt vào đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân thuê quyền khai thác được khai thác công năng của tài sản theo hợp đồng cho thuê. Số tiền thu được từ thuê quyền khai thác dùng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về NSNN. - Chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ: Theo cơ chế này, Nhà nước thực hiện chuyển nhượng các tài sản hạ tầng đường bộ hiện có cần đầu tư, cải tạo, nâng cấp cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong một thời gian nhất định. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng được chủ động tính toán, bố trí vốn đầu tư thực hiện dự án và khai thác công trình theo cơ chế thị trường. Cơ chế này, một mặt giúp Nhà nước giảm bớt áp lực phải bố trí vốn đầu tư, giảm khối lượng công việc tổ chức thực hiện triển khai dự án, chia sẻ rủi ro đầu tư; mặt khác, phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhà đầu tư trong xây dựng, cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch đúng lộ trình cam kết. Số tiền thu được từ chuyển nhượng dùng để đầu tư và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ. Đối với các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản hạ tầng đường bộ hiện có thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT thì việc khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan. - Quy định về khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ: Thực tế cho thấy, giá đất hai bên đường và vừng phụ cận thường tăng rất lớn sau khi công trình đường bộ được đầu tư và đưa vào sử dụng. Trong điều kiện eo hẹp về vốn đầu tư hiện nay, việc quy định khai thác nguồn lực tài chính từ quỹ đất này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn và phù hợp với quy luật. Nghị định cũng quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhận biết tài sản hạ tầng đường bộ để ghi sổ hạch toán. Theo đó, tài sản hạ tầng đường bộ đủ tiêu chuẩn để ghi sổ hạch toán là những tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chí: (i) Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên; (ii) Có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên. Tài sản hạ tầng đường bộ ghi sổ hạch toán gồm: Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường; cầu đường bộ dài từ 25m trở lên và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ; hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ; bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; trạm kiểm tra tải trọng xe; trạm thu phí đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ. Nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ được xác định theo các nguyên tắc: Đối với tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện quyết toán từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ để ghi sổ hạch toán là giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Đối với tài sản hạ tầng đường bộ đã thực hiện quyết toán trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nguyên giá để ghi sổ hạch toán là giá trị được xác định theo bảng giá của tài sản hạ tầng đường bộ có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Trường hợp tài sản hạ tầng đường bộ chưa hoặc không xác định được trong bảng giá thì sử dụng giá tính tạm thời do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp quy định để ghi sổ. Theo Tạp Chí Tài Chính Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|