Tái cơ cấu nền kinh tế cần “sự can thiệp” của Quốc hội |
Thứ ba, 23/04/2013, 09:47 GMT+7 |
Chưa đầy một tháng nữa, ngày 20/5 tới đây kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc, dự kiến kéo dài đến 25/6. Quốc hội Việt Nam cần có sự can thiệp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế... Trong một diễn đàn nhằm chuẩn bị cho việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp này, quá sốt ruột trước kết quả “chưa có gì để nói” của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, có vị chuyên gia đã đề nghị nên trao việc thực hiện công việc quan trọng này cho Quốc hội, thay vì để ở cơ quan hành pháp. Không tán thành quan điểm làm thay đó, song nhiều ý kiến, bao gồm cả của các chuyên gia nước ngoài đều cho rằng vai trò của Quốc hội cần được đẩy mạnh hơn nữa. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nói: các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam cần có sự can thiệp giống như chất xúc tác vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Còn theo nhìn nhận của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cựu thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia Võ Đại Lược, căn nguyên cơ bản nhất của sự ì ạch trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là "tồn kho thể chế", khi có quá nhiều thể chế lạc hậu không được sửa. Cải cách thể chế, đương nhiên không hoàn toàn nằm ở ý chí và quyết tâm của riêng 499 vị đại biểu ở cơ quan lập pháp. Song nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, nếu kỳ họp tới Quốc hội không tập trung thảo luận về các luật liên quan thì “đừng có bàn đến tái cơ cấu nền kinh tế”. Bởi theo nhận xét của ông, nhiều dự án luật rất cần để phục vụ cho việc tái cơ cấu nền kinh tế ít được quan tâm, cũng không được hệ thống tại đề án tổng thể mới được phê duyệt. “Không có luật thì làm sao mà tái cơ cấu được, chỉ có các nghị định, quyết định của Thủ tướng thì làm sao mà làm được”, ông Phúc nói. Một trong những dự án “rất cần phải có” được ông Phúc điểm danh là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh hàng loạt các dự án luật khác cần sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu... Xây dựng một đạo luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước cũng là điều được Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch kiên nhẫn đề nghị đi đề nghị lại ở hết diễn đàn này đến hội thảo khác. Bởi ngay từ kỳ họp cuối năm 2009, khi Quốc hội khóa 12 giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông đã phát biểu: “Nhân dân đang giao Chính phủ nắm một số vốn chủ sở hữu hơn 30 tỷ USD, nên đề nghị phải có luật kinh doanh về vốn”. Cũng tại kỳ họp đó, trong một nghị quyết hiếm hoi được 100% phiếu thuận về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và sớm trình để ban hành Luật Sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh”. Nhưng, cho dù có chữ “sớm” thì từ đó đến nay, dự án luật này vẫn chỉ nằm trong những đề xuất, đề nghị. Còn những sai phạm của Vinashin, Vinalines… “gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng” như nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều luôn có lý do từ “lỗ hổng” thể chế. Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra rằng, cho đến nay, tất cả khung pháp luật về đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước đều do Chính phủ quy định, trong đó có không ít quy định có vị thế pháp lý rất thấp. Như vậy, do không có luật trong các lĩnh vực này, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước rất thấp, cổ phần hóa rất chậm và có rất nhiều tiêu cực, những vụ việc đã phát hiện như Vinashin, Vinalines...đã gây ra những tổn thất rất to lớn. Không chỉ Chính phủ mà Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm để tình trạng đầu tư công đã bị lạm dụng, gây lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, trở thành công cụ cho tư duy nhiệm kỳ bất chính kéo dài lâu như vậy, ông Doanh nhìn nhận. Cùng với nhiều vị chuyên gia cao niên khác, ông Doanh cũng kiên trì đề nghị phải tiến hành mạnh mẽ việc cải cách thể chế, trước hết để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Kiến nghị này dường như đã được tiếp thu, khi một trong những ưu tiên khi dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm 2014 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Dù thế, nếu lạc quan là số phận của dự án luật này sẽ không long đong như việc sửa Luật Đất đai thì cũng phải đến giữa năm sau dự án luật này mới được thông qua, và sớm nhất thì cũng phải đến đầu năm 2015 mới có hiệu lực thi hành. Như vậy, phải sau gần 6 năm, một dự án luật được cho là đòi hỏi rất bức thiết của thực tế, được Quốc hội yêu cầu “sớm” trình mới (có thể) được ban hành. Cho dù xây dựng pháp luật là việc Quốc hội có thể chủ động. Đến đây, không thể không đặt ra câu hỏi, vậy thì Quốc hội cần và sẽ can thiệp thế nào để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế? Với mong muốn Quốc hội cần chủ động tối đa trong việc cải cách thể chế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng gợi ý, Quốc hội nên đề nghị Chính phủ có chương trình hành động cụ thể, chọn một số nội dung quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế yêu cầu Chính phủ phải làm cho bằng được. Việc Quốc hội cần làm, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh là cần xác định quy chế pháp lý độc lập cho ngành thống kê, xác lập vị thế độc lập tương đối cho Ngân hàng Trung ương. Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cần bổ sung luật về quyền tiếp cận thông tin, luật về quyền lập hội và hoạt động của hội, luật về giám sát doanh nghiệp nhà nước, luật kiểm soát độc quyền nhằm bảo đảm các hoạt động chủ yếu phải được chế định bằng pháp luật, bảo đảm quyền giám sát đầy đủ của Quốc hội. Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần sớm ban hành luật về tham vấn ý kiến của các nhóm lợi ích có liên quan, tạo điều kiện và cho phép các nhóm lợi ích khác nhau được trình bày ý kiến của mình trước các ủy ban và các hội nghị của Quốc hội trước khi thông qua các dự án đầu tư, dự án luật pháp. Còn nhiều nhiều nữa kiến nghị cụ thể từ các chuyên gia mà dung lượng bài viết không cho phép nêu hết. Tuy nhiên, tựu trung lại, sự can thiệp của Quốc hội với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chủ động và đủ mạnh. Nếu không, nói như chuyên gia Võ Đại Lược, rất có thể bên ngoài sẽ coi Việt Nam là nước "không muốn phát triển". Theo Vneconomy
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|