NTK Việt Hùng chia sẻ bí quyết chọn áo dài cho người 'quá khổ' |
Viết bởi Mai Ngọc | |
Thứ sáu, 27/09/2019, 15:13 GMT+7 | |
Là một nhà thiết kế gạo cội trong làng áo dài Việt Nam, NTK Việt Hùng đã nghiên cứu rất nhiều về áo dài của người Việt. Nhắc đến nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng là người ta sẽ nhớ ngay đến thương hiệu áo dài nổi tiếng mang tên anh. Không chỉ vậy, NTK Nguyễn Việt Hùng còn là một trong những tên tuổi hàng đầu Việt Nam trong làng thiết kế áo dài. Chính vì thế, với chủ đề “Sứ mệnh áo dài”, ê-kíp “Đẹp không giới hạn” đã mời đến chương trình “Designer mát tay của hoa hậu Việt” – NTK Nguyễn Việt Hùng cùng Á hậu Hoa hậu Siêu mẫu thế giới 2018 H’Ăng Niê để chia sẻ những thông tin thú vị về quốc phục của người Việt là chiếc áo dài. Còn người Việt là còn áo dài, nói như vậy để thấy tầm quan trọng của tà áo dài trong văn hóa của người Việt Nam. Từ “áo dài” được đưa vào từ điển Oxford và dịch nghĩa là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước – sau dài chấm mắt cá chân, che bên ngoài chiếc quần dài. Từ xa xưa, áo dài đã mang giá trị lớn lao về mặt tinh thần và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Có thể nói, không có loại trang phục nào có thể tôn lên hình dáng quyến rũ của người phụ nữ Việt như là áo dài. Áo dài đã đi vào thơ ca, làm phong phú đời sống tinh thần của người Việt như thế. Là một nhà thiết kế gạo cội trong làng áo dài Việt Nam, NTK Việt Hùng đã nghiên cứu rất nhiều về áo dài của người Việt. “Sứ mệnh chính của áo dài là làm sao để giúp cho người mặc kiện toàn hơn cho vẻ bề ngoài của mình. Áo dài mỗi miền có một cách xử lý khác nhau nên đối với người gầy, Hùng sẽ chọn tà Bắc là tà hơi to một tí, khép tà, tà cứng và đứng gần như bọc luôn với người, dáng áo canh sợi ngang, họa tiết ngang hoặc kết hợp hai chất liệu giúp người mặc nhìn đầy đặn hơn. Đối với người hơi to, ngoài tông màu sẫm, họa tiết sọc, thì kĩ thuật cắt cúp của những áo hiện đại hoặc tà hẹp của người miền Nam thì sẽ làm cho người mặc trông cao và mảnh mai hơn. Với áo cưới cần sự long trọng, sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống thì mình sẽ may tà miền Trung. Tà miền Trung không quá to như miền Bắc, không quá hẹp như tà miền Nam, phù hợp cho dáng người vừa phải người”, NTK Việt Hùng chia sẻ về cách lựa chọn kiểu dáng phù hợp để chiếc áo dài làm nổi bật lên với từng dáng người. Là một người dân tộc đến từ núi rừng Tây Nguyên và cũng là một người đẹp đã từng tham gia ở nhiều đấu trường sắc đẹp trong cũng như ngoài nước, H’Ăng Niê may mắn khi được mặc chiếc áo dài thổ cẩm của dân tộc mình do chính tay NTK Việt Hùng lên ý tưởng thực hiện. Cả hai đã cùng nhau làm dự án “Hoa của đất” với những bộ trang phục áo dài thổ cẩm đan may bằng tay. Đây cũng là một dự án hướng về cộng đồng khá thành công khi tiền bán áo dài được gây quỹ để thực hiện những chuyến từ thiện mang áo ấm, chăn, sách vở đến trẻ em nghèo, người già không nơi nương tựa ở dọc dài trên mảnh đất Tây Nguyên suốt năm 2018.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, năm 2019, dự án “Đại sứ áo dài” tiếp tục chắp cánh sứ mệnh lan tỏa giá trị nhân văn của tà áo dài Việt Nam với thông điệp cao cả đầy ắp tình người là sự chia sẻ và là tấm lòng của NTK Việt Hùng và người con của núi rừng Tây Nguyên – Á hậu H’Ăng Niê. “Đối với Hùng, áo dài không phải là công việc nữa mà đó là một niềm đam mê. Áo dài là một điều gì đó rất cao cả mà Hùng nghĩ mình cần phải tri ân. Đã gần 20 năm làm nghề chính thức với thương hiệu áo dài Việt Hùng, Hùng thấy mình cần phải làm một việc gì đó chứ không đơn thuần là việc mang tính nhỏ lẻ cá nhân. Ấp ủ từ điều đó, Hùng đã trình bày nguyện vọng với Cục Nghệ thuật Biểu diễn rằng muốn tổ chức một sân chơi mà không phải là Hoa khôi Áo dài hay Hoa hậu Áo dài, Người đẹp Áo dài. Hùng rất khó khăn khi xin được tên “Đại sứ áo dài” - một người đại diện cho những người yêu áo dài, làm áo dài và tâm đắc với áo dài, chuyển đến thông điệp mang một sứ mệnh, truyền được cảm hứng, làm sao để người yêu áo dài rồi sẽ gắn kết với áo dài nhiều hơn, những người lấp lửng nửa yêu nửa không sẽ yêu áo dài hơn và những người không yêu áo dài sẽ có một cái nhìn khác”, NTK Việt Hùng chia sẻ về sự ra đời của dự án mang cái tên rất hay “Đại sứ áo dài”.
“Đại sứ áo dài” là một cuộc thi lan tỏa tình yêu áo dài đến với tất cả mọi người khi nó dành cho mọi đối tượng tham gia bao gồm thiếu nhi, quý cô, quý ông và quý bà. Nói là cuộc thi nhưng ở “Đại sứ áo dài”, tính chất thi cử chỉ chiếm 30%. Ngoài yêu cầu về hình thể và những kĩ năng trình diễn như catwalk, thể hiện trước ống kính, thì khả năng truyền cảm hứng và cách nhìn nhận nhân sinh quan, lòng chắc ẩn chính là yếu tố làm nên một “Đại sứ áo dài Việt Nam”.
Ngày nay, khi có rất nhiều xu hướng thời trang hiện đại du nhập vào nước ta và được giới trẻ nhiệt tình đón nhận, người ta bắt gặp không ít hình ảnh người con gái Việt mặc áo dài kết hợp trang phục truyền thống của dân tộc với những phụ kiện không phù hợp như giày thể thao, mũ lưỡi chai,… Nói về điều này, NTK Việt Hùng đã đưa ra một vài chia sẻ: “Khi họ phối trang phục sai như vậy có nghĩa là họ không biết hết ý nghĩa của chiếc áo dài nên cách tốt nhất là mình phải giải thích để họ hiểu như vậy là không đúng và không đẹp. Chính vì thế, việc làm nhân văn nhất là Hùng thường mở ra các khóa học giúp các bạn hiểu thêm như là khóa sức mạnh về trang phục, dáng điệu và phục sức, xây dựng hình ảnh cá nhân. Và sau mỗi khóa học, các bạn đã nhận ra rằng nếu không có khóa học này thì các bạn chỉ mặc theo kiểu bản thân mình thấy thích thôi. Thế nên, kể cả trong cách lựa chọn trang phục áo dài, Hùng cũng hướng đến vị trí của họ trong xã hội”.
MN * Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|