top-banner-2

Thứ tư, 22/01/2014, 11:01 GMT+7

Cầu yếu, CPI tháng Tết tại Tp.HCM chỉ tăng nhẹ

Viết bởi lehang   
Thứ tư, 22/01/2014, 11:01 GMT+7

Từ góc nhìn của giá, mức tăng thấp của CPI tháng này phản ánh sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh so với mọi năm...

Theo số liệu của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 của thành phố đã tăng 0,4% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất của tháng 1 trong vòng 5 năm trở lại đây. Từ góc nhìn của giá, mức tăng thấp của CPI tháng này phản ánh sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh so với mọi năm.

Theo ghi nhận ở một số chợ đầu mối và trung tâm thương mại lớn như Big C, Coop mart, mặc dù là tháng cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nhưng sức mua trên thị trường không tăng mạnh so với ngày thường.

Theo đại diện của siêu thị Big C, sức mua mới chỉ có dấu hiệu tăng ở các nhóm hàng phi lương thực - thực phẩm như đồ gia dụng, trang phục chứ chưa thấy dấu hiệu tăng sức mua từ các nhóm hàng lương thực thực phẩm.

Diễn biến giá cả trong tháng, theo báo cáo từ cơ quan thống kê cũng phản ánh thực trạng trên. Trong 11 nhóm hàng chính tính chỉ số giá, mức tăng cao tập trung ở các nhóm hàng như nhóm giao thông, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác với mức tăng trên 0,5% trong khi nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ 0,16% so tháng trước.

Khác với mọi năm, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng chỉ tăng nhẹ 0,16% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,33%, thực phẩm tăng 0,19% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%.  

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm cộng với đây là thời điểm giáp vụ ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long khiến nguồn cung ổn định, nên giá lương thực không tăng mạnh đột biến như các năm trước.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, chương trình bình ổn giá được triển khai trên khắp địa bàn thành phố là nguyên nhân chủ yếu khiến giá các mặt hàng này tăng thấp nhất vào tháng giáp Tết trong vòng 10 năm trở lại đây.

Gần 7.800 điểm bán hàng bình ổn giá trong đó có tập trung vào các mặt hàng thực phẩm chủ yếu như trứng, dầu ăn, đường, thịt chế biến…đã góp phần rất lớn trong việc kiềm chế việc tăng giá hàng thực phẩm vào những ngày cận Tết .
                    
Cũng do nhu cầu tiêu dùng cuối năm, các mặt hàng thuộc nhóm nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép đều tăng giá khiến chỉ số giá nhóm hàng này tăng khá 0,56% so tháng trước.

Ở một diễn biến khác, hai nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm giao thông tăng khá mạnh ở các mức 1,2% và 1,24% so tháng trước.

Đối với nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tuy không phải mùa xây dựng nên giá các loại vật liệu xây dựng tiếp tục giảm nhưng việc tăng giá gas bán lẻ 20% trong tháng trước tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số giá tháng này. Mức giảm 43 nghìn đồng/ bình 12kg vừa qua cũng chỉ làm giảm bớt tác động tăng giá chứ không đủ liều lượng để khiến chỉ số giá giảm so tháng trước.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu các loại ngày 18/12/2013 cũng có tác động tăng giá lên nhóm hàng này và nhóm giao thông.

Còn đối với nhóm giao thông, ngoài tác động tăng giá do tác động từ việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu kể trên, việc các hãng vận tải được phép điều chỉnh giá vé trong dịp Tết cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá nhóm hàng này tăng trên 1% so với tháng trước.

Các nhóm hàng khác biến động nhẹ, trong đó duy nhất nhóm y tế giảm 0,12% so với tháng trước.

Trong tháng, hai mặt hàng vàng và đô la Mỹ diễn biến cùng chiều khi giảm ở các mức tương ứng 1,37% và 0,04% so tháng trước.

Theo VnEconomy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cầu yếu, CPI tháng Tết tại Tp.HCM chỉ tăng nhẹ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc