top-banner-2

Thứ sáu, 22/04/2016, 09:17 GMT+7

The Jungle Book: Những bí ẩn thú vị

Thứ sáu, 22/04/2016, 09:17 GMT+7

Hãy tìm hiểu những thông tin thú vị về bom tấn mới của Disney - "The Jungle Book" chưa từng được tiết lộ.

1. Rudyard Kipling dành tặng cuốn sách The Jungle Book cho cô con gái nhỏ qua đời năm 6 tuổi

Mặc dù những câu chuyện trong The Jungle Book đều xảy ra tại rừng nhiệt đới Ấn Độ, nhưng lại được tác giả Kipling viết trong thời gian sống tại Vermont, Mỹ năm 1893-1894. Đây là thời điểm vợ ông hạ sinh cô con gái đầu lòng Josephine Kipling. Người ta đã tìm thấy một trong những bản in đầu tiên của The Jungle Book tại thư viện Wimpole Hall, Cambridgeshire, Anh, trên đó có dòng chữ viết tay đầy tình cảm của Kipling: “Cuốn sách này thuộc về Josephine Kipling, được viết bởi cha. Tháng Năm, 1894″.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 1.

Bút tích của Rudyard Kipling đề tặng con gái

Không lâu sau, vào năm 1899, Josephine Kipling qua đời vì bệnh viêm phổi khi mới lên 6 tuổi. Bản thân nhà văn đáng kính cũng suýt nữa không qua khỏi. Cô con gái thứ hai Elsie Kipling sau này trở thành người lưu giữ những di sản của cha, và đã trao lại toàn bộ cho tổ chức National Trust trước khi nhắm mắt xuôi tay năm 1976.

2. Từng được chuyển thể thành phim… 13 lần

Và câu chuyện đầu tiên được chuyển thể không phải chuyến phiêu lưu của cậu bé Mowgli!

Năm 1937, một truyện ngắn nổi tiếng trong Sách Rừng Xanh là Toomia of the Elephants đã được chuyển thể thành phim Elephant Boy do diễn viên Ấn Độ Sabu Dastagir thủ vai chính. Bộ phim Anh đen trắng này đã đem về cho cặp đôi đạo diễn Robert Flaherty và Zoltán Korda giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Venice.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 2.

Elephant Boy

Sau đó ít lâu, đạo diễn Zoltán Korda và nam diễn viên chính Sabu Dastagir tiếp tục hợp tác để sản xuất phim điện ảnh hành động – phiêu lưu bằng công nghệ Technicolor (phim màu) mang tên Jungle Book, ra mắt năm 1942 tại Mỹ. Jungle Book đã rất thành công cả về mặt thương mại và nghệ thuật, thu hơn 1.3 triệu USD cùng 4 đề cử Oscar danh giá.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 3.

Poster phim Jungle Book (1942)

Một số phim điện ảnh và truyền hình khác lấy cảm hứng từ The Jungle Book: The Jungle Book – phim hoạt hình của Walt Disney Studios (1967), Mowgli (1967), loạt anime Nhật Jungle Book Shonen Mowgli (1989), Rudyard Kipling’s The Jungle Book (1994), The Second Jungle Book: Mowgli and Baloo (1997), The Jungle Book: Mowgli’s Story (1998), The Jungle Book 2 (2003),…

Hãng Warner Bros. cũng đang thực hiện bộ phim hành động mang tên Jungle Book: Origins với dàn diễn viên lồng tiếng đình đám, dự kiến khởi chiếu ngày 19.10.2018.

3. Phiên bản hoạt hình The Jungle Book năm 1967 là bộ phim cuối cùng Walt Disney trực tiếp sản xuất

Có thể nói, tác phẩm điện ảnh thành công nhất, được biết tới rộng rãi nhất là bộ phim hoạt hình The Jungle Book do Walt Disney Studios sản xuất năm 1967. Bộ phim lấy cảm hứng từ chuyến phiêu lưu của cậu bé Mowgli và những nhân vật khác như báo đen Bagheera, gấu Baloo, hổ Shere Khan,…nhưng cốt truyện thì không hoàn toàn dựa theo nguyên tác.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 4.

Một hình ảnh trong The Jungle Book (1967)

The Jungle Book được đưa vào sản xuất sau bộ phim hoạt hình The Sword in the Stone (Thanh Gươm Trong Đá), với mong muốn phát triển thêm những câu chuyện có nhân vật chính là động vật. Ban đầu, Walt Disney chỉ giám sát sơ qua, nhưng hiệu ứng từ bộ phim The Sword in the Stone không được tốt như mong đợi nên nhà làm phim huyền thoại quyết định can thiệp nhiều hơn vào kịch bản của The Jungle Book. Ông đã đưa ra rất nhiều thay đổi then chốt bao gồm việc viết lại kịch bản để bộ phim tươi vui và hợp với gia đình, thay đổi nhà soạn nhạc cho phim, tuyển chọn diễn viên lồng tiếng,…

Walt Disney đã qua đời 10 tháng trước khi The Jungle Book chính thức ra rạp. Và tác phẩm điện ảnh cuối cùng do ông sản xuất đã thành công vang dội về mặt thương mại, hiện đang nằm ở vị trí thứ 29 trên bảng xếp hạng các phim ăn khách nhất mọi thời đại tại Mỹ.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 5.

Nhà làm phim huyền thoại Walt Disney

4. The Beatles suýt nữa đã tham gia lồng tiếng cho bầy… kền kền

Trong phiên bản hoạt hình năm 1967, Disney đã sáng tạo thêm nhân vật 4 chú kền kền – những sinh vật kết bạn với Mowgli khi cậu cảm thấy bị Baloo lừa dối – để mời nhóm The Beatles tham gia lồng tiếng. Thậm chí đầu của đội kền kền còn được lấy cảm hứng từ kiểu tóc mop-top đặc trưng của các thành viên trong nhóm. The Beatles sẽ thể hiện ca khúc mang tên That’s What Friends Are For. Quản lý nhóm The Beatles đồng ý, nhưng lịch trình dày đặc cộng thêm sự phản đối của thành viên John Lennon cuối cùng khiến việc hợp tác bị đổ bể. Sau đó, Disney đã mời một ban nhạc người Anh vào vai bầy kền kền này.

5. Tên cậu bé Mowgli đã luôn bị phát âm sai

Bà Elsie Kipling, con gái thứ hai của Rudyard Kipling đã than phiền rằng nhân vật Mowgli đúng ra phải được phát âm là MAU-glee, thay vì MOW-glee. Không chỉ Disney mắc phải sai sót đó, mà một số bộ phim chuyển thể trước cũng đã phát âm sai tên cậu bé. Tới tận ngày nay, dường như không ai có ý định khắc phục lỗi sai này.

6. Những con số ấn tượng

4.5m: Chiều cao khi gấu Baloo đứng vươn mình. Baloo cao hơn cả vua khỉ Louie – nhân vật được các họa sỹ lấy ý tưởng từ loài vượn người Gigantopithecus tồn tại trong khoảng 9 triệu năm đến 100.000 năm trước đây. Vua Louie trong phim cao chừng 3.5m.

5 tiếng: Khoảng thời gian mà các nhà làm phim dành ra để xử lý một khuôn hình có sự xuất hiện của chú gấu khổng lồ với tinh thần tự do tự tại và bộ lông rậm rạp Baloo. Vậy mới biết, làm cả một bộ phim kỳ công tới mức nào!

17: số lượng… khố được làm ra cho diễn viên nhí Neel Sethi. Mỗi chiếc lại có một chức năng cụ thể khác nhau. Nhà thiết kế phục trang Laura Jean Shannon chia sẻ: “Mowgli luôn ở trong tình trạng lấm lem bùn đất, cậu ấy còn bị rớt xuống nước, còn phải leo trèo và chạy nhảy dưới những cơn mưa. Chúng tôi thậm chí phải thiết kế thêm một số phụ kiện đặt bên trong bộ trang phục để đảm bảo an toàn cho Mowgli khi thực hiện những cảnh quay khó như trèo lên cây hoặc leo lên vách đá”.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 7.

Mowgli và chiếc khố đỏ – trang phục duy nhất của cậu

70: Số lượng loài vật xuất hiện trong phim. Các họa sỹ phải nghiên cứu những chuyển động và cách bày tỏ cảm xúc của các loài động vật trong thực tế để đảm bảo tính chính xác và tin cậy trên phim. Còn việc tạo ra cơ bắp, bộ da hay bộ lông cho từng loài, đã có rất nhiều phần mềm và chương trình đồ họa mới được xây dựng để hoàn thành công việc này.

800: Số lượng họa sỹ tham gia thực hiện dự án trong suốt một năm. Ngoài các cư dân trong rừng già, họ cũng phụ trách cả việc tạo hình cho khoảng 100 triệu chiếc lá cây và xử lý chuyển động của đất, nước, lửa. Tất cả đều được xây dựng dựa trên cơ sở thực tế. Các họa sỹ đã chụp khoảng 100.000 bức ảnh của cảnh quan tự nhiên trong các khu rừng ở Bangalore (Ấn Độ), tạo nên một thư viện khổng lồ phục vụ cho công tác xây dựng rừng già. Và kết quả thật mỹ mãn.

7. Thách thức lớn nhất nằm ở… chiếc bóng

Một trong số các thách thức lớn nhất là phải làm sao xử lý được bóng của các con vật từ đồ họa máy tính phản chiếu trên mặt đất khi đặt cạnh những phân đoạn diễn xuất của Mowgli. Như chúng ta đều biết, diễn xuất của Mowgli do diễn viên nhí Neel Sethi đảm nhận và được quay trước tấm phông xanh. Còn tất cả các loài vật thì đều được tạo ra từ đồ họa máy tính. Cuối cùng, họ đã xử lý bằng cách thiết kế một hệ thống phần mềm mới để điều chỉnh các mảng sáng tối, thể hiện được bóng các nhân vật đang di chuyển bên cạnh Mowgli.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 8.

8. Bộ áo giáp chống ong đốt của Mowgli

Đó là một bộ áo thật, được làm từ lá cây Alocasia (thường được gọi là Lá tai voi). Loại lá này có thể bảo vệ Mowgli khỏi sự tấn công của lũ ong trong quá trình tìm kiếm mật cho gấu Baloo. Bên cạnh đó, làm sao để mật ong xuất hiện thật chân thực, hấp dẫn trên màn ảnh rộng cũng là một thử thách. Màu sắc, tính kết dính của mật ong cũng như hình ảnh của các tổ ong đã được nhóm sản xuất tính toán một cách kỹ lưỡng.

tinhot24h-1

Mật ong trông thật quyến rũ làm sao!

9. Không phải tất cả đều là CGI

Để Mowgli thực sự có thể tương tác với không gian ở xung quanh, các nhà thiết kế đã quyết định dựng lên những bối cảnh cần thiết để sử dụng song song với những bối cảnh được dàn dựng bởi công nghệ máy tính. Một trong số đó chính là cảnh quay mang tính biểu tượng khi Mowgli và gấu Baloo trôi dạt trên sông. Các nhà làm phim đã xây dựng 2 bể nước lớn được trang bị máy bơm và gắn thêm vòi phun để tạo ra những dòng nước y như thật.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 10.

Dòng sông này thực ra là hai bể nước

Để tạo được chiều sâu cảm xúc cho diễn viên nhí Sethi khi nhập vai, đạo diễn Jon Favreau đã mời một số diễn viên sẽ cùng thực hiện cảnh quay với cậu bé. Họ chủ yếu là các nghệ sỹ múa rối, hoặc đôi lần là chính đạo diễn. Trên trường quay, trước phông xanh, các nghệ sỹ sẽ thực hiện những động tác phù hợp với những track âm thanh đã được thu âm sẵn bởi diễn viên lồng tiếng.

10. Một bộ phim mang tính kế thừa

Đạo diễn Jon Favreau chia sẻ: “Những tác phẩm của Walt Disney luôn có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Ông ấy là nguời tiên phong của làng điện ảnh, là người đầu tiên nghĩ tới việc lồng ghép âm thanh vào hình ảnh để các diễn viên có thể nhập vai một cách hoàn hảo. Bên cạnh đó, Walt cũng luôn là người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất các bộ phim”. Và khi bắt tay vào thực hiện The Jungle Book phiên bản live-action, các nhà làm phim đã kế thừa truyền thống này bằng việc xây dựng bộ phim bằng rất nhiều công nghệ, kỹ xảo mới. Tất cả đều nhằm mục đích đưa khán giả tới với thế giới mà họ từng mường tượng ra khi đọc cuốn truyện của Rudyard Kipling.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 11.

Bên cạnh đó, việc mời một dàn diễn viên lồng tiếng tên tuổi cũng xuất phát từ tinh thần… kế thừa truyền thống. Nhà Chuột vốn nổi tiếng trong việc tập trung tất cả chuyên môn để làm phim chứ không “dựa hơi” sao đang nổi để quảng bá. Họ cũng quan niệm, chính bộ phim mới khiến cho một tài năng trở nên nổi tiếng, chứ không phải ngược lại. Phiên bản hoạt hình của The Jungle Book là lần duy nhất mà Disney có toàn bộ dàn diễn viên lồng tiếng là các ngôi sao .

Trở về những năm 1960, Walt Disney đã khiến toàn bộ nhân viên bị sốc khi mời Phil Harris (khi đó đang là một ca sĩ – diễn viên hài được yêu mến) lồng tiếng cho nhân vật gấu Baloo. Sau đó, ông đã tiến hành thử giọng một số ngôi sao khác cho các nhân vật vua Louie, hổ Shere Khan,… Đây là một quyết định vô cùng sáng suốt, bởi chính những diễn viên lồng tiếng này đã góp phần định hình tính cách và thay đổi cả câu thoại cho bộ phim. Gấu Baloo sẽ không thể trở thành một trong những nhân vật trung tâm và được yêu quý bởi nhiều thế hệ nếu như không có sự đóng góp của Phil Harris.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 12.

Phil Harris – nghệ sĩ lồng tiếng cho gấu Baloo trong phim hoạt hình

Trong phiên bản live-action, đạo diễn Jon Favreau quyết định gìn giữ “truyền thống” mời dàn sao đình đám lồng tiếng cho phim. Ông cũng mạnh dạn thay đổi… giới tính của trăn Kaa để tăng số lượng nhân vật nữ, đồng thời mời minh tinh Scarlett Johannson góp giọng cho “người bạn xấu” này.

10 bí mật động trời của siêu phẩm The Jungle Book - Ảnh 13.

Scarlett Johannson lồng tiếng cho trăn Kaa. Nếu chịu khó ngồi xem phần Credit cuối phim, bạn sẽ được nghe bài hát “Trust In Me” của trăn Kaa do Scarlett Johannson thể hiện

Theo Trí thức trẻ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

The Jungle Book: Những bí ẩn thú vị

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc