top-banner-2

Thứ hai, 20/01/2020, 15:38 GMT+7

Vụ tranh chấp liên quan đến Công ty Hồng Phát: Văn bản 'giấu đầu, lòi đuôi' của người 'thừa lệnh Bộ trưởng, kí thay Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp'

Thứ hai, 20/01/2020, 15:38 GMT+7

Ngày 7/1/2020, Bộ Tư pháp có Văn bản số 58/BTP-VP phản hồi bài báo “Hai văn bản “lạ” của Thứ trưởng Bộ Tư pháp có dấu hiệu thể hiện đẩy chủ đầu tư vào đường cùng” đăng trên Báo điện tử Ngày mới ngày 13/12/2019. Trân trọng ghi nhận ý kiến của Bộ Tư pháp, trên cơ sở xem xét toàn diện tài liệu, bằng chứng cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, Báo điện tử Ngày mới khẳng định: Nội dung bài báo phản ảnh mang tính xác thực với đầy đủ căn cứ. Dưới đây là phần nội dung phản hồi theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

 Cán bộ, công nhân Công ty Hồng Phát mừng Xuân

Hơn cả “chống lưng” (?!)

Văn bản số 58/BTP-VP do ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chánh văn phòng Bộ Tư pháp “thừa lệnh Bộ trưởng, kí thay Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp” kí ngày 7/1/2020, gửi Tổng Biên tập Báo điện tử Ngày mới, nêu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc bài báo đặt câu hỏi Thứ trưởng “chống lưng”? Bộ Tư pháp khẳng định:“Đây là câu hỏi quy chụp, không có cơ sở, dẫn đến dư luận hiểu nhầm, hiểu sai, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của bộ, ngành Tư pháp và các đồng chí lãnh đạo Bộ”.

Bộ Tư pháp lý giải: Tại thời điểm Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chưa được phân công phụ trách công tác THADS. Hai tháng sau khi có Quyết định số 07/QĐ-CTHADS, Thứ trưởng Oanh mới được phân công phụ trách lĩnh vực THADS. Sau khi nhận nhiệm vụ, Thứ trưởng Oanh đã bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết vụ việc để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thứ trưởng Oanh “chỉ đạo vụ việc khách quan, minh bạch, đúng pháp luật trên cơ sở bàn bạc dân chủ và đồng thuận với các cơ quan, ban, ngành liên quan”.

Văn bản số 58/BTP-VP của Bộ Tư pháp

Sự thật thì sao? Báo điện tử Ngày mới không hề quy chụp mà đặt thẳng vấn đề liên quan đến Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khi “kí thay” Bộ trưởng Bộ Tư pháp Văn bản số 634/BC-BTP ngày 18/11/2019.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp là một tập thể đoàn kết, chỉ đạo giải quyết, xử lý vụ việc một cách toàn diện, nhất quán, mang tính kế thừa, đảm bảo tuân thủ pháp luật. Thứ trưởng Oanh được phân công phụ trách công tác THADS từ ngày 18/2/2019 thay cho Thứ trưởng Trần Tiến Dũng; nếu “chỉ đạo vụ việc khách quan, minh bạch, có sự bàn bạc dân chủ và đồng thuận” thì không thể nào kí Văn bản số 634/BC-BTP. Bởi lẽ, Văn bản này trái ngược với hàng loạt văn bản của các cơ quan chức năng đã ban hành trước đó cũng như trái ngược lại với thực tế đã diễn ra và có dấu hiệu thể hiện trái quy định pháp luật. Hơn nữa, Văn bản số 634/BC-BTP còn phủ nhận cả Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng “kí thay” Bộ trưởng.

 Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp

Như Báo điện tử Ngày mới đã phản ánh, tranh chấp Dự án giữa China Policy Limited đã được Trung tâm trọng tài Quốc tế tại Việt Nam (VIAC) ra Phán quyết Trọng tài số 29/12 ngày 25/4/2013, buộc Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung”, tiến tới thành lập Công ty liên doanh. Phán quyết Trọng tài không có nội dung nào yêu cầu ngăn chặn 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (với 232,66ha) của Hồng Phát. Vậy mà China Policy Limited lấy Phán quyết Trọng làm “kim bài” để “khiên” Cơ quan THADS “xoay lòng vòng” đến “loạn đầu, nhức óc” rồi “sa lầy”.

Không kể 2 lần “cấm vận” kéo dài từ năm 2013 - 2016, ngày 18/9/2017, Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục ban hành Công văn số 525/CTHA “tạm dừng việc đăng kí, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Hồng Phát”.

Bị ngăn chặn trái pháp luật, Công ty Hồng Phát khiếu nại gay gắt. Từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS đã vào cuộc xác minh, làm rõ với nhiều cuộc họp cùng đại diện các cơ quan chức năng. Điển hình như cuộc họp ngày 19/4/2018 do Bộ Tư pháp chủ trì với Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cùng đại diện của Viện KSND Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VIAC và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp (Tổng cục THADS, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Pháp luật Quốc tế, Thanh tra Bộ), đã kiểm tra, xem xét toàn diện những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật về THADS, đầu tư, thương mại…

Sau khi làm rõ, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng mới kí Văn bản số 123/BC-BTP, khẳng định: Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điều 71 của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014. Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Long An, tạo điều kiện cho Công ty Hồng Phát và China Policy Limited thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh. Khi đã lập được Công ty liên doanh mà Hồng Phát không đưa 13 quyền sử dụng đất góp vào Công ty liên doanh thì Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật THADS.

Ngoài ra, Văn bản số 123/BC-BTP xác định China Policy Limited “không có thẩm quyền khởi kiện”. Văn bản số 123/BC-BTP đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý, thể hiện tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện theo Văn bản số 123/BC-BTP, ngày 26/11/2018 Tổng cục THADS có Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ đạo Cục THADS Long An ban hành Văn bản số 682/CTHADS-NV ngày 29/11/2018 “chấm dứt hiệu lực đối với Công văn số 525/CTHA”.

Lệnh ngăn chặn vừa được gỡ bỏ thì ngày 18/12/2018, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An Đặng Hoàng Yên kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS tiếp tục ngăn chặn 13 quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát, cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết Trọng tài.

Dư luận báo chí cả nước đã lên tiếng, chỉ rõ Quyết định số 07/QĐ-CTHADS trái quy định pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp được bảo vệ bởi Hiến pháp cùng các quy định của pháp luật về THADS, đất đai, đầu tư,…

Biết cấp dưới sai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho dự án nghìn tỉ, nhưng Cục trưởng Bùi Phú Hưng vẫn mạnh tay kí Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 “bác khiếu nại của Công ty Hồng Phát, giữ y Quyết định số 07/QĐ-CTHADS”. Trong nhiều văn bản trước đó, Cục trưởng Hưng vẫn luôn khẳng định, việc ngăn chặn là không có cơ sở.

Vì sao Chấp hành viên Yên và Cục trưởng Hưng bỗng dưng “trở quẻ”, ngang nhiên xem thường pháp luật đến như thế? Câu hỏi đã có đáp án bằng sự khẳng định của Thứ trưởng Oanh trong Văn bản số 634/BC-BTP: “Bộ Tư pháp đã yêu cầu Tổng cục THADS chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018”.

Tại thời điểm Chấp hành viên Yên kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, Thứ trưởng Oanh chưa được phân công phụ trách công tác THADS. Tuy nhiên, đến ngày 6/3/2019, khi Cục trưởng Hưng kí Quyết định số 06/QĐ-CTHADS thì Thứ trưởng Oanh đã được phân công. Như vậy, gần một năm phụ trách công tác THADS, nếu Thứ trưởng Oanh thực thi công vụ quyết liệt, khách quan, “tâm sáng, lòng trong” thì phải xem xét toàn diện vụ việc, vì sao Bộ Tư pháp phải yêu cầu tái lập ngăn chặn thể hiện dấu hiệu trái luật; cũng như khẩn trương xem xét khiếu nại hợp pháp, chính đáng của Công ty Hồng Phát. Nhưng Thứ trưởng Oanh lại “im lặng”, trong khi Dự án nghìn tỉ bị “trùm mền” khiến chủ đầu tư bức xúc liên tục kêu cứu, tố cáo khắp nơi.

Rõ ràng, việc kí Văn bản số 634/BC-BTP, Thứ trưởng Oanh đã “đồng thuận” với hai Quyết định trái pháp luật số 07/QĐ-CTHADS và số 06/QĐ-CTHADS của Cục THADS tỉnh Long An.

Từ những nội dung trên đây, Báo điện tử Ngày mới có căn cứ và cơ sở vững chắc để đặt ra câu hỏi về việc “chống lưng” của bà Thứ trưởng?

Và dấu hiệu “chống lưng” cho “đầu tư chui, chuyển tiền lậu”?

Không dừng lại ở hai Quyết định số 07/QĐ-CTHADS và số 06/QĐ-CTHADS có dấu hiệu trái pháp luật, Văn bản số 634/BC-BTP còn có thể hiện dấu hiệu “chống lưng” cho cả China Policy Limited đến từ “thiên đường thuế” số 1 thế giới, lộ rõ hành vi “đầu tư chui, chuyển tiền lậu”.

Hàng loạt bất thường của China Policy Limited đã được báo chí phản ánh, nổi cộm là khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD mà China Policy Limited chuyển vào Việt Nam hợp tác đầu tư Dự án, lộ rõ trái phép và có dấu hiệu “rửa tiền”, vi phạm pháp luật hình sự, nhưng không hiểu vi sao Thứ trưởng Oanh hoàn toàn không đề cập trong Văn bản số 634/BC-BTP?

Ngược lại, khi China Policy Limited đưa ra một loạt yêu cầu đều được đáp ứng “tối đa”, cụ thể như: Ngăn chặn quyền sử dụng đất của Hồng Phát (nhiều lần); “dọa kiện” quốc tế vì khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD; đòi “tách dự án, chia 130 ha đất”, cắt ra từ 232,66 ha của Hồng Phát để China Policy Limited làm chủ đầu tư trực tiếp thực hiện dự án riêng…

Về ngăn chặn, “cấm vận” nhằm triệt hạ chủ đầu tư: Việc này quá rõ ràng, mới nhất là Quyết định số 07/QĐ-CTHADS của Cục THADS tỉnh Long An ban hành theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

Liên quan đến “doạ kiện”: Thứ trưởng Oanh “phán” cho China Policy Limited “không bị hạn chế quyền khởi kiện Chính phủ Việt Nam tại Trọng tài Quốc tế” đồng thời đưa những thiệt hại “giả định” vô căn cứ: “Nếu China Policy Limited kiện, Việt Nam vẫn buộc phải tham gia vào quá trình tố tụng quốc tế gây tốn kém rất lớn chi phí và thời gian. Trường hợp Việt Nam thua kiện thì Chính phủ sẽ đứng trước nguy cơ phải bồi thường…” (?!).

Trong khi đó, Văn bản số 123/BC-BTP xác định rõ “China Policy Limited không có thẩm quyền khởi kiện” (?!)

Liên quan đến “tách dự án, chia đất”: Hơn ai hết, Thứ trưởng Oanh nhận thức sâu sắc việc chia đất là trái quy định pháp luật, đi ngược lại Phán quyết Trọng tài, hoàn toàn không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Thế nhưng, nội dung Văn bản số 634/BC-BTP, không ngần ngại “đổ lỗi” cho Hồng Phát rồi sốt sắng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Long An “sớm kết luận” về yêu cầu có phần “thiệt thòi” của China Policy Limited?

Với nhiều “ưu ái” dành cho China Policy Limited, càng chứng minh cho việc “chống lưng” của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh?

Báo điện tử Ngày mới trân trọng đề nghị Bộ Tư pháp giải thích rõ và trả lời trước công luận:

Thứ nhất, Liên quan đến việc ngăn chặn 13 quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát, hiện tại Bộ Tư pháp đang tồn tại hai Văn bản trái ngược nhau, do hai Thứ trưởng “kí thay” Bộ trưởng. Trong đó, Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý thể hiện tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018, vẫn còn nguyên có giá trị, vậy Thứ trưởng Oanh kí ban hành Văn bản số 634/BC-BTP ngày 18/11/2019 nhằm mục đích gì và căn cứ vào những quy định pháp luật nào?

Thứ hai, giữa hai Văn bản đối ngược số 123/BC-BTP và số 634/BC-BTP, chỉ có một văn bản được tồn tại, vậy Bộ Tư pháp công nhận văn bản nào? Nếu xác định Văn bản số 123/BC-BTP đúng thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp cần cho thu hồi ngay Văn bản số 634/BC-BTP đồng thời chỉ đạo xử lí trách nhiệm của những đơn vị cá nhân liên quan theo đúng quy định pháp luật? Ngược lại, nếu xác định Văn bản số 634/BC-BTP có căn cứ thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp xử lý như thế nào đối với Văn bản số 123/BC-BTP cũng như kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý đối với Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ?

Liệu có “chống lưng” nên “tự tung tự tác”?

Văn bản số 58/BTP-VP còn phản hồi liên quan đến giải quyết đơn của Tổng cục THADS. Bộ Tư pháp cho rằng: Báo nêu: “Tổng cục THADS đã thụ lý nhưng “ngâm” đến nay vẫn không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, dù quá hạn rất lâu” là không chính xác.

Bộ Tư pháp lý giải: “Theo quy định tại Khoản 4, Điều 142 Luật THADS và Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì Quyết định giải quyết khiếu nại số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An đã có hiệu lực. Nội dung khiếu nại tiếp theo không thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tổng cục THADS.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 142 Luật THADS, Tổng cục THADS đã có Văn bản số 1370/TCTHADS-GQKNTC ngày 20/5/2019, chuyển nội dung đơn đến Thanh tra Bộ Tư pháp để xem xét, tham mưu cho lãnh đạo Bộ. Hiện nay, Thanh tra Bộ Tư pháp đang xem xét và chưa có quyết định cuối cùng về việc tham mưu xem xét lại đối với Quyết định số 07/QĐ-CTHADS nêu trên”.

Hồ sơ thể hiện: Ngay khi nhận được Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2019, sau đó là Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An, Công ty Hồng Phát đã có đơn khiếu nại lên từ Tổng cục THADS nhưng kéo dài đến nay vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết. Việc Bộ Tư pháp xác định “Thanh tra Bộ đang xem xét và chưa có quyết định cuối cùng” là tình tiết mới, rất “lạ”. Thanh tra Bộ Tư pháp có chức năng ra “quyết định cuối cùng về việc tham mưu…” hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Ngày mới, sáng 18/1/2020, bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hồng Phát khẳng định: Cho đến thời điểm này, qua Báo điện tử Ngày mới, chúng tôi mới biết khiếu nại của Công ty Hồng Phát đã được Tổng cục THADS “đá banh” sang Thanh tra Bộ Tư pháp. Tại sao phải “đá” sang Thanh tra Bộ trong khi khiếu nại này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục THADS? Chưa hết, nếu đã “đẩy” sang Thanh tra tại sao Tổng cục THADS lại “ém nhẹm”, đến nay Bộ Tư pháp mới tiết lộ cho Báo chí?

Bà Thái Thị Hồng Hậu bức xúc: “Với những gì đã và đang diễn ra, không biết khiếu nại chính đáng, hợp pháp của Hồng Phát còn bị “ngâm” và “câu dầm” đến bao giờ mới được giải quyết? Lãnh đạo Bộ Tư pháp, trực tiếp là Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh có biết dự án nghìn tỉ đang bị “bóp chết” bởi sự tắc trách của một số lãnh đạo ngành THADS, trong đó trách nhiệm cao nhất không ai khác chính là bà Thứ trưởng Oanh và ông Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi?”.

Như đã nêu ở phần trên, Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An là Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại của Công ty Hồng Phát. Tại Điều 4 của Quyết định số 06/QĐ-CTHADS, ghi rõ: “Công ty Hồng Phát có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục THADS trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này”.

Công ty Hồng Phát tiếp tục khiếu lần 2 đối với Quyết định số 06/QĐ-CTHADS, được Tổng cục THADS ra Thông báo thụ lý số 103/TB-TCTHADS ngày 19/4/2019 nhưng đến nay chưa có kết quả giải quyết. Đến ngày 18/12/2019, Tổng cục THADS bất ngờ ra Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC “xử lý đơn” gửi Hồng Phát, cho rằng Quyết định số 06/QĐ-CTHADS có hiệu lực thi hành và Tổng cục THADS không có thẩm quyền xem xét, giải quyết nên đã thu hồi số Thông báo 103/TB-TCTHADS vào ngày 17/5/2019? Thật khó tin, một cơ quan như Tổng cục THADS lại vận dụng pháp luật về THADS “tùy thích”, theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa”?

Tính từ lúc Tổng cục THADS ra Thông báo 103/TB-TCTHADS cho đến khi ban hành Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC là 8 tháng (240 ngày). Trong khi thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định tại Điều 146 Luật THADS tối đa chỉ 45 ngày (trường hợp phức tạp được gia hạn thêm 30 ngày). Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định Tổng cục THADS để quá hạn rất lâu không giải quyết khiếu nại theo luật định. Vì vậy, báo phản ánh Tổng cục THADS “ngâm” là có căn cứ.

Không chỉ “ngâm”, Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC của Tổng cục THADS còn “vô hiệu hoá”, triệt đường khiếu nại của Công ty Hồng Phát. Luật sư Trần Hải Đức cùng nhóm luật sư đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có chung quan điểm: Quyết định số 06/QĐ-CTHADS không phải là Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng nên việc Công ty Hồng Phát tiếp tục khiếu nại lên Tổng cục THADS đối với Quyết định này là có căn cứ, phù hợp với Điểm a, Khoản 4 Điều 38, Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Và Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại của Hồng Phát theo Điều 142 Luật THADS năm 2014.

Khoản 3, Điều 142 Luật THADS quy định rõ:“Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây: a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh; b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh…”.

Luật THADS hiện hành đã quy định rõ ràng như vậy, nhưng Bộ Tư pháp lại cho rằng nội dung khiếu nại tiếp theo của Công ty Hồng Phát không thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tổng cục THADS (?!). Thực tế này đã đặt ra vấn đề, liệu có “chống lưng” nên “tự tung tự tác”?

 Văn bản số 634/BC-BTP ngày 18/11/2019 của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kí, có nội dung “chiều” theo China Policy Limited

 Tổng cục THADS ra Thông báo 103/TB-TCTHA thụ lý khiếu nại của Công ty Hồng Phát

 Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC của Tổng cục THADS ra Thông báo từ chối giải quyết khiếu nại.

Kiến nghị của Báo điện tử Ngày mới

Báo điện tử Ngày mới trân trọng đề nghị Bộ Tư pháp giải thích rõ và trả lời cho công luận:

Thứ nhất, khiếu nại lần Hai của Công ty Hồng Phát đối với Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An do cơ quan nào thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền giải quyết? Và bao giờ cơ quan đó mới ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Công ty Hồng Phát? Hay khiếu nại chính đáng, hợp pháp của Hồng Phát tiếp tục bị “câu dầm”, khiến cho Dự án nghìn tỉ phải “đóng băng” vô thời hạn đúng theo ý của China Policy Limited, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho chủ đầu tư (lên đến hàng trăm tỷ đồng) và tỉnh Long An?

Thứ hai, dự án nghìn tỉ phát sinh hàng loạt rắc rối phức tạp suốt hơn một năm qua, dẫn đến hậu quả khó lường đều xuất phát từ Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 của Cục THADS tỉnh Long An ban hành theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp thể hiện rõ tại Văn bản số 634/BC-BTP ngày 18/11/2019. Tại sao Bộ Tư pháp lại yêu cầu Tổng cục THADS chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS, căn cứ vào quy định pháp luật nào? Dễ nhận thấy, một số lãnh đạo cơ quan cấp dưới lấy chỉ đạo của Bộ Tư pháp làm “bảo bối” nên lộ rõ dấu hiệu xem thường pháp luật, vô cảm trước nỗi đau xé lòng của doanh nghiệp từng ngày “quằn mình” gánh chịu thiệt hại…

Theo dõi sát sao vụ việc, Báo điện tử Ngày mới trân trọng chia sẻ ý kiến với lãnh đạo Bộ Tư pháp: Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, nhưng có dấu hiệu thể hiện can thiệp trái pháp luật vào việc thi hành Phán quyết Trọng tài. Bộ Tư pháp chỉ sợ China Policy Limited “dọa kiện”, còn chủ đầu tư thì sao? Công ty Hồng Phát có đầy đủ quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…

Theo Mai Thân/ngaymoionline - 20/1/2020

Link nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/vu-tranh-chap-lien-quan-den-cong-ty-hong-phat-van-ban-giau-dau-loi-duoi-cua-nguoi-thua-lenh-bo-truong-ki-thay-chanh-van-phong-bo-tu-phap--14918.html?utm_source=zalo&;


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vụ tranh chấp liên quan đến Công ty Hồng Phát: Văn bản 'giấu đầu, lòi đuôi' của người 'thừa lệnh Bộ trưởng, kí thay Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp'

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc