Nhiều dự án chống ngập… mắc cạn! |
Thứ hai, 20/08/2018, 15:01 GMT+7 | |
Trong 2 năm qua, nhiều nhà đầu tư đã tham gia chống ngập ở TP HCM nhưng hiện vẫn còn dang dở bởi vướng mắc về thủ tục hành chính cũng như sự mới mẻ của phương thức chống ngập. Hơn 10 năm qua, tình trạng ngập úng đã khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn, làm giảm khả năng thu hút đầu tư của TP HCM. Để giải quyết tình trạng này, TP đã xác định giảm ngập là một trong 7 chương trình đột phá trong giai đoạn 2016-2020 và mời gọi các nhà đầu tư tham gia. Thiếu vốn, "kẹt" mặt bằng Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 được khởi công ngày 26-6-2016 với tổng giá trị lên đến 9.626 tỉ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó 16% giá trị hợp đồng được thanh toán bằng quỹ đất, 84% còn lại là tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước cho vay theo hình thức tái cấp vốn qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Hàng loạt cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập do triều đã ngưng thi công gần 4 tháng. Trong ảnh là cống Bến Nghé Dự án trên cam kết chống ngập cho khu vực rộng 570 km2 với 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM; chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp… Theo hợp đồng, thời gian thi công dự án trong 36 tháng, dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2019. Trong buổi ký kết hợp đồng, đại diện chủ đầu tư hứa sẽ rút ngắn thời gian thi công còn 24 tháng nếu được bàn giao mặt bằng đầy đủ. Như vậy, để dự án vận hành trơn tru, cần sự nỗ lực rất lớn từ phía UBND các quận - huyện trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, ngày 27-4-2018, chủ đầu tư bất ngờ thông báo dự án tạm ngưng thi công. Lý do là phía UBND TP chưa ký vào biểu mẫu phụ lục số 02A để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho BIDV (dự án này được hưởng ưu đãi khi lãi suất phải trả chỉ 3% - thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thương mại và BIDV được chọn mặt gửi vàng). Ngoài ra, vấn đề mặt bằng cũng được chủ đầu tư nhiều lần gửi văn bản đến UBND TP HCM đề nghị tháo gỡ. Hơn 4 tháng qua, công trình bất động. Sau các đợt mưa lớn, người dân lại lội bì bõm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây hơn 10 ngày, Sở Tài chính đã thay mặt UBND TP ký xác nhận theo biểu mẫu này và gửi Ngân hàng Nhà nước. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, việc TP ký xác nhận hoàn toàn độc lập với việc giải ngân của BIDV cho dự án. Đến tháng 3-2018, số tiền mà BIDV cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án là 3.932,1 tỉ đồng. Không dễ triển khai Vừa qua, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, "kêu" không còn kinh phí để tiếp tục vận hành máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Lý do là phía Trung tâm Chống ngập TP chưa đưa ra đơn giá để thanh toán cho nhà đầu tư. Tập đoàn Quang Trung đã đề nghị UBND TP tạm ứng 30 tỉ đồng để đơn vị này tiếp tục vận hành máy bơm. Ông Cường cho biết Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã tốn thời gian nghiên cứu công nghệ, sau đó đầu tư kinh phí để xây dựng, vận hành máy bơm đến nay đã 30 lần và đa số thành công. Ngoài ra, các loại chi phí khác như nhân công, nhiên liệu, điện và cả kinh phí thi công 2 tuyến cống băng đường vẫn chưa được thanh toán. Cách đây 4 tháng, TP đã ký hợp đồng thuê máy bơm chống ngập của doanh nghiệp này với điều kiện "không hết ngập, không lấy tiền". Tuy nhiên, các sở - ngành vẫn đang bàn cách thức, đơn giá thanh toán cho doanh nghiệp. Chống ngập bằng hồ điều tiết cũng được bàn bạc, thảo luận khá nhiều. Theo quy hoạch, TP HCM có 104 hồ điều tiết phân tán ở các quận - huyện để chống ngập, bổ sung nguồn nước ngầm và cải tạo cảnh quan. Tuy nhiên, tất cả chỉ… nằm trên giấy. Đến cuối tháng 7-2017, hồ điều tiết ngầm đầu tiên trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức được Công ty Sekisui (Nhật Bản) và Công ty VMCTech xây dựng miễn phí. Ngoài mục tiêu giảm ngập cho đường Võ Văn Ngân, công trình này sẽ là cơ sở để đánh giá hiệu quả của công nghệ, vật liệu mới nhằm lựa chọn phương án tối ưu trong thiết kế và xây dựng các hồ điều tiết tiếp theo tại TP HCM. Sau 1 năm thí điểm, thử nghiệm công trình chống ngập bằng máy bơm "khủng" và hồ điều tiết, các chuyên gia và đơn vị chuyên môn đánh giá là hiệu quả, có thể áp dụng ở TP HCM nhưng để triển khai tiếp ở các vị trí khác thì không dễ. Điển hình là việc chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá, quận 12. Công ty VMCTech cùng quận 12 đề xuất làm hồ điều tiết ở sân bóng đá Cây Sộp, phường Đông Hưng Thuận với tổng chi phí 44 tỉ đồng. Tập đoàn Quang Trung đề xuất sử dụng máy bơm công suất "khủng", có thể bằng 3-4 lần máy bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Thế nhưng, TP HCM vẫn chưa chấp thuận phương án chống ngập nào của các doanh nghiệp trên.
Theo Sỹ Đông (Người Lao động)/Khampha.vn - 20/8/2018 Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/nhieu-du-an-chong-ngap-mac-can-c4a674511.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|