Ăn tết với thực phẩm VietGap |
Thứ bảy, 04/01/2014, 11:16 GMT+7 |
Ngoài những loại thực phẩm truyền thống, tết Giáp Ngọ năm nay thị trường xuất hiện thêm các dòng sản phẩm theo quy chuẩn VietGap… Thay vì thúc ép tăng trọng lượng để kịp bán tết, những ngày này, trại gà thảo mộc 20.000 con của bà Cao Thị Ten, xã Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai lại đang bị “ép” cho giảm cân. Bà Ten giải thích mục đích của cách nuôi này là giúp cho con gà giảm mỡ, chắc thịt. Để làm được điều này, bên cạnh các loại thức ăn cơ bản như cám, gạo, bắp, những con gà chỉ có trọng lượng tối đa từ 1,3 – 1,7kg còn được ăn độn thêm một loại dược liệu nhập khẩu từ Đài Loan. Ngoài ra, phải có không gian cho gà vận động... Tết này người dùng lần đầu tiên được ăn gà thảo mộc. Sản phẩm sạch được bao tiêu Trại gà của bà Ten được cấp giấy chứng nhận VietGap. Bà lấy luôn tên gọi là “gà thảo mộc” làm thương hiệu quảng bá. Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, thịt gà thảo mộc nuôi tại trang trại bà Ten săn chắc, có hương vị thơm ngọt, bổ dưỡng. Thấy được tiềm năng của con gà thảo mộc, công ty San Hà, một doanh nghiệp kinh doanh, giết mổ gia cầm tại TP.HCM đã nhanh chân ký hợp đồng bao tiêu độc quyền với mức giá ổn định 68.000 đồng/kg. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, giám đốc công ty San Hà, tết Nguyên đán năm nay, ngoài việc kinh doanh các sản phẩm gia cầm bình thường, công ty này lần đầu tiên sẽ tung ra thị trường khoảng 10.000 con gà thảo mộc với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Hiện nay, qua khảo sát, gà thảo mộc đã được đưa vào kinh doanh tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng với bao bì nhận diện khá đặc trưng và bắt mắt. “Chúng tôi đưa ra thị trường bán thử cách nay hơn tháng. Bước đầu người dùng tiếp nhận khá tích cực, sản lượng mỗi ngày một tăng”, bà Hà nói. Việc bà Ten hay một số nông dân khác thay vì sản xuất theo kiểu truyền thống bắt đầu lưu tâm đến làm ra sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng đang là xu hướng chăn nuôi mới hiện nay. Theo ông Đặng Văn Được, một trong số 12 xã viên HTX chăn nuôi heo sạch Tiên Phong, Củ Chi, TP.HCM, nuôi heo sạch theo tiêu chuẩn VietGap có giá thành cao hơn nuôi thường từ 30 – 40% bởi phải “gánh” thêm các chi phí đầu tư chuồng trại, nhà kho trữ thức ăn, hầm bioga… bài bản; chi phí quản lý, chi phí kỹ thuật và đặc biệt là không sử dụng thuốc kích thích tăng trọng, vắcxin một cách bừa bãi. Dù có chi phí cao, nhưng bù lại vào dịp lễ tết, người dân thường tìm mua sản phẩm lạ, có nguồn gốc, chất lượng cao hơn nên sản phẩm heo VietGap của HTX sẽ đáp ứng được nhu cầu này. Theo ông Trầm Quốc Thắng, phó chủ nhiệm HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi), dự án nuôi heo an toàn được HTX này triển khai cách nay hai năm, hiện có 12 hộ chăn nuôi ở huyện Củ Chi và Hóc Môn đang áp dụng. Tết Giáp Ngọ năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm bán trôi nổi, đàn heo sạch khoảng trên 3.000 con của HTX sẽ được công ty Vissan bao tiêu toàn bộ với mức giá thị trường. Ông Thắng nói rằng, năm nay có công ty Vissan bao tiêu rồi nên bà con chỉ việc chuyên tâm nuôi cho đúng quy trình kỹ thuật để có nguồn thịt chất lượng bán tết mà không cần bận tâm đến đầu ra nữa. Cần hỗ trợ giá cả, nhận diện Làm ra được sản phẩm sạch nhưng khi ra thị trường phải được người dùng nhận diện, chấp nhận trả giá cao hơn, đó mới là mong muốn của cả người sản xuất và kinh doanh. Ông Trầm Quốc Thắng cho biết, mặc dù công ty Vissan đã ký hợp tác bao tiêu toàn bộ heo của Tiên Phong, nhưng thực tế hiện nay chưa có sản phẩm thịt heo VietGap nào của HTX đến tay người tiêu dùng với chứng nhận thịt sạch, có xuất xứ rõ ràng. Chính điều này, theo ông, đang gây khó khăn trong việc triển khai mô hình chăn nuôi heo VietGap ở Tiên Phong bởi do chưa được nhận diện thịt an toàn, giá bán ngang bằng với thịt heo chăn nuôi thông thường nên lợi nhuận mang lại cho bà con không cao, không thu hút được đầu tư mở rộng tăng đàn. Tương tự, bà Cao Thị Ten cũng cho hay, với mức giá 68.000 đồng/kg gà thảo mộc tại trại mà công ty San Hà đang bao tiêu, chưa mang lại lợi nhuận vững bền cho gia đình, bởi để nuôi được một con gà thảo mộc chất lượng, chi phí tốn kém hơn nhiều lần so với nuôi gà ta. “Trong khi đó, gà ta nuôi chi phí thấp hơn, nhưng giá tại trại hiện nay cũng trên dưới 100.000 đồng/kg. Tôi nghĩ ngoài việc cần đầu ra ổn định thì giá bán cũng phải ở mức hợp lý cho người nuôi sống được”, bà Ten nói. Đồng ý với quan điểm này, ông Đặng Văn Được, cho rằng quy trình nuôi có kiểm soát là khâu khó khăn nhất thì bà con đã làm được nên sẽ rất lãng phí nếu như sản phẩm đưa ra thị trường không có thương hiệu nhận diện, không có đầu ra ổn định. Từ suy nghĩ này, ông Được kiến nghị sau này lượng heo nuôi của bà con sản xuất ra đi vào ổn định thì công ty bao tiêu nên có kế hoạch giết mổ, đóng bao bì, ghi xuất xứ hàng hoá để người dùng nhận diện. Từ đó giá bán mới có thể đem lại lợi nhuận đảm bảo cho người chăn nuôi. Theo SGTT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|