Rừng trên giấy và câu chuyện trục lợi chính sách |
Thứ tư, 16/06/2021, 15:30 GMT+7 |
Hơn 4.000 ha rừng tự nhiên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn (Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn) đang quản lý bỗng nhiên “suy giảm” trong một thời gian ngắn. Câu chuyện khó tin này diễn ra ở tỉnh Bắc Kạn đã hé lộ nhiều khuất tất, lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến những dấu hiệu trục lợi hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước từ chính sách hỗ trợ đóng cửa rừng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Nâng khống” diện tích rừng tự nhiên Vượt qua gần chục cây số đường rừng, chúng tôi cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn mới có thể tiếp cận được các lô rừng vốn được Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn xác lập hồ sơ là rừng tự nhiên nhưng trên thực tế nhiều diện tích rừng chỉ tồn tại trên giấy. Xã Dương Phong, huyện Bạch Thông là một trong những địa phương mà đất rừng do công ty lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý chiếm khoảng 1/3 diện tích rừng toàn xã. Tại vị trí trên bản đồ thuộc lô d, khoảnh 10, tiểu khu 393 thuộc Bản Chàn được xác định trong hồ sơ gần 14 ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, ở đây không có bất cứ cây rừng tự nhiên nào, từ bờ suối kéo dài hàng trăm mét ngang sườn đồi chỉ là những gốc cây quýt do người dân trồng, còn phía trên đỉnh đồi là rừng keo chuẩn bị cho khai thác. Bà Phạm Thị Quyên sinh sống tại xã Dương Phong và đang canh tác tại khu vực này xác nhận: “Riêng khu rừng keo này từ năm 1978 chính tay tôi được phát đầu tiên từ rừng già cổ thụ ra. Lúc đầu là cây mỡ, xong khai thác đến bây giờ đã là đợt keo nữa rồi”. Bà Phạm Thị Quyên (hiện sống tại xã Dương Phong, huyện Bạch Thông) khẳng định toàn bộ diện tích khu vực lô d, khoảnh 10, tiểu khu 393 thuộc Bản Chàn, xã Dương Phong được bà phát dọn và canh tác từ trước năm 1980. Tương tự tại 4 lô (a,ă,â,b) thuộc khoảnh 4, tiểu khu 387, khu vực bản Mún thuộc xã Dương Phong ghi trong hồ sơ là hơn 62 ha rừng tự nhiên nhưng thực tế tất cả diện tích ở chân đồi đều là những vườn cam, quýt khoảng 10-20 năm tuổi. Còn số liệu đo trên thực địa cho thấy diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này chỉ còn lại gần 40 ha… Qua thị sát 5 lô rừng tự nhiên cũng đã thấy rõ diện tích trên thực tế giảm khoảng 50% so với hồ sơ Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn xác lập. Tổng diện tích 5 lô này theo cán bộ kiểm lâm cung cấp cũng chỉ có 62 ha chứ không phải 77 ha như báo cáo, nghĩa là sai lệch tới hơn 20%. Đây là tỉ lệ sai lệch khó có thể xảy ra đối với hệ thống bản đồ khoanh vẽ vốn được sử dụng rộng rãi trước đây! “Nếu Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn tự thống kê lên để lấy hỗ trợ của Nhà nước thì gây lãng phí, gây mất lòng tin của nhân dân. Các cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ vì tiền của tỉnh cũng là tiền của nhân dân” - ông Chu Thế Hưu, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam xã Dương Phong, huyện Bạch Thông nêu ý kiến. Lý giải diện tích rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn từ năm 2016 đến năm 2020 giảm từ 7.200 ha xuống chỉ còn hơn 3.100 ha, ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho rằng: Ngoài việc sai lệch bản đồ và người dân lấn chiếm, nguyên nhân quan trọng là do thay đổi cách xác định đối tượng rừng được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 2242 của Thủ tướng Chính phủ về “đóng cửa rừng tự nhiên” sau khi chuyển giao nhiệm vụ nghiệm thu từ Kiểm lâm địa bàn cho Chi cục Kiểm lâm đảm nhận năm 2019. “Khi thực hiện theo Quyết định 2242 thì quan điểm của ngành nông nghiệp, chúng tôi làm chặt chẽ hơn rất nhiều, những diện tích nào thực sự có trữ lượng thì chúng tôi mới giao, nên mới giảm đi chứ rừng không phải mất hoàn toàn 4.000 ha. Có nhiều diện tích theo luật vẫn là rừng tự nhiên ví dụ là tre, nứa nhưng lượng gỗ ít thì khi thực hiện theo Quyết định 2242 chúng tôi cắt bỏ đi” - ông Nguyễn Mỹ Hải nói. Nhiều lán trại, cây trồng lâu năm của người dân xã Dương Phong, huyện Bạch Thông vẫn được xác lập là rừng tự nhiên do công ty lâm nghiệp quản lý. Cách lý giải này không thuyết phục? Quyết định 2242 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020” có hiệu lực từ năm 2014, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng cửa rừng 200.000 đồng/ha/năm đối với các công ty lâm nghiệp phải dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên. Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh Bắc Kạn xác định rõ đối tượng rừng mới có thể phê duyệt, thanh quyết toán hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn đóng cửa rừng, chứ không phải đến thời điểm này mới làm chặt chẽ, mới xác định đối tượng rừng! Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016 đã ban hành Thông tư 21 quy định rõ về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản. Không có lý gì mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn lại không biết để xác định rõ đối tượng rừng cũng như việc Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn có phải đơn vị khai thác chính gỗ rừng tự nhiên để được hưởng chính sách (?) Phải chăng, khuất tất trong xác định đối tượng rừng, sai lệch trên bản đồ và cách thức khoanh vẽ theo kiểu “xôi đỗ” nâng khống cả diện tích rừng trồng keo, mỡ, thậm chí cả vườn cam, quýt, lán trại của người dân… cũng là rừng tự nhiên đã giúp công ty lâm nghiệp Bắc Kạn “gom” đủ diện tích rừng tự nhiên theo quy định để không phải thoái vốn Nhà nước và nghiễm nhiên được hưởng chính sách hỗ trợ đóng cửa rừng của Chính phủ(?) Doanh nghiệp “vừa đá bóng, vừa thổi còi” Theo thông tin chúng tôi có được, nếu như năm 2007, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn xác định có gần 6.700 ha rừng tự nhiên thì đến năm 2014 con số này đã vọt lên tới 8.900 ha. Đây là thời điểm đơn vị này triển khai sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp. Mặc dù Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn trong tình trạng “bê bết” về tài chính với những khoản đầu tư, đại diện góp vốn trong tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất trắng cùng nhiều khoản vay và nợ khó thu hồi nhưng năm 2016 tỉnh Bắc Kạn vẫn phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới công ty này. Với diện tích rừng tự nhiên sản xuất sau tái cơ cấu là gần 7.200 ha, cộng với hơn 3.000 ha rừng phòng hộ đã chiếm trên 70% trong tổng số hơn 14.000 ha đất đơn vị này được giao, cho thuê nên theo Nghị định 118 của Chính phủ, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn giữ nguyên mô hình 100% vốn Nhà nước. Để có thể “né” cổ phần hóa một cách ngoạn mục như vậy, tất cả các phương án khoanh vẽ, xác lập diện tích rừng tự nhiên là do chính doanh nghiệp này thực hiện. Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn "gom" đủ 70% diện tích đất được giao, cho thuê là rừng tự nhiên nên đủ điều kiện không phải thoái vốn Nhà nước và nghiễm nhiên hưởng chính sách đóng cửa rừng của Chính phủ. Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn xác nhận: Hội đồng thẩm định thời điểm đó chỉ căn cứ vào hồ sơ trình của công ty, không đi thẩm tra, rà soát trên thực địa. Doanh nghiệp tự xác lập diện tích rừng tự nhiên nhưng các cơ quan chức năng lại không rà soát, thẩm định trên thực tế mặc dù trong tay có cả bộ máy quản lý từ tỉnh đến cơ sở. Cách làm này không khác gì phó mặc cho công ty lâm nghiệp Bắc Kạn “vừa đá bóng, vừa thổi còi” dẫn đến dễ dàng “nâng khống” nhiều diện tích rừng tự nhiên để tránh cổ phần hóa và nghiễm nhiên được hưởng cả tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm theo chính sách hỗ trợ đóng cửa rừng của Chính phủ. Ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm: “Nếu có đất đã trồng cam quýt lâu nay mà vẫn tính là rừng tự nhiên thì tôi nghĩ là ở đây có biểu hiện của trục lợi chính sách. Việc này cần phải kiểm tra đánh giá kỹ, nếu hiện tượng đấy mà phổ biến thì kiên quyết phải thanh tra, kiểm tra và vào cuộc để xử lý”. Theo Nhóm PV/VOV-Đông Bắc/16/6/2021 Link nguồn:https://vov.vn/kinh-te/rung-tren-giay-va-cau-chuyen-truc-loi-chinh-sach-866435.vov Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|