top-banner-2

Thứ tư, 17/07/2013, 08:46 GMT+7

Giải phóng tồn kho, kích cầu thị trường từ gói tín dụng 30.000 tỉ: Mục tiêu bị... xô lệch ?

Thứ tư, 17/07/2013, 08:46 GMT+7

Sau 1,5 tháng gói tín dụng 30.000 tỉ hỗ trợ vay mua nhà và DN phát triển nhà ở xã hội được đưa ra, thị trường bất động sản chưa có nhiều biến động. Có chăng, là sự chuyển động của các DN nhà ở thương mại (NOTM) xin chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội (NOXH) ngày một dày đặc hơn.

Phải chăng gói tín dụng hỗ trợ là cái “mồi” tâm lý mà theo đó muốn đạt đến đích giải phóng hàng tồn kho và kích cầu thị trường, các chủ thể trên thị trường từ người vay mua đến DN đều phải biết...  kiên nhẫn ?

Ở góc độ một DN tư vấn, đại diện của Savills cho rằng gói tín dụng 30.000 tỉ có hiệu lực từ 01/06/2013 nhưng chỉ có một số ít chủ đầu tư và người mua có thể tiếp cận với nguồn vốn này do thủ tục rất phức tạp.

DN thất vọng

Đối với giới kinh doanh địa ốc, trước khi gói tín dụng hỗ trợ đưa ra, một số chủ đầu tư đặt khá nhiều kỳ vọng vào gói này. Họ kỳ vọng không phải vì thuộc đối tượng có sản phẩm được hỗ trợ tín dụng cho người mua, hay vì được hỗ trợ trực tiếp tín dụng lãi suất thấp, mà quan trọng hơn là lực kích thích từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, sẽ lan tỏa lực kích thích ra toàn thể thị trường.

Người theo “thuyết” sóng lan tỏa này một cách “trung thành” nhất phải kể là ông chủ địa ốc Lê Thành với các dòng sản phẩm tiên phong cho thuê/ bán dài hạn 49 năm chỉ vài trăm triệu đồng/ căn hộ ở địa bàn Bình Tân, TP HCM. Song giờ đây, sau hơn 1,5 tháng gói tín dụng hỗ trợ cho vay ra đời, ông này đã có nhìn nhận khác: “Phải nói là gói tín dụng 30.000 tỉ đã được nói quá nhiều, mà hiệu quả ban đầu thì chưa thấy đâu. Đứng ở góc độ của người đi vay, các điều kiện nêu ra rất vô lý. Người dân không thể vay được. Chỉ riêng một chuyện xác nhận người đi vay đã có nhà hay chưa, đã là một vấn đề. Dân ở quê lên thành phố thì không được Ủy ban xã ở quê xác nhận, nhỡ đâu họ đã có nhà trên thành phố. Dân ở thành phố thì Ủy ban phường tạm trú, hoặc thậm chí có hộ khẩu cũng chẳng dám xác nhận, nhỡ đâu họ có nhà ở khu phố khác, phường khác. Ai quản lý chuyện này trong khi đây lại là mấu chốt vấn đề để người vay được vay?

Thứ nữa, với cán bộ công nhân viên có thu nhập tốt hơn 1 chút, họ chỉ muốn vay mua NOTM khi sản phẩm với mức giá tương tự và hỗ trợ tín dụng cũng đang được tung ra rất cạnh tranh, thậm chí lãi suất bằng 0 trong vòng 1-2 năm đầu, trong khi dân nghèo muốn mua NOXH thì không thể có vốn đối ứng đủ quy định để trả gốc và lãi một sản phẩm căn hộ ít nhất vài triệu đồng/ tháng. Tình trạng ách tắc tín dụng của gói hỗ trợ sẽ còn diễn ra dài, chứ không phải do giải ngân cần phải dần dần như được giải thích” - ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc địa ốc Lê Thành nói.

Cũng theo một DN trên địa bàn Tp HCM, điều khiến DN khu vực này đang vô cùng bức xúc là theo nguồn tin mà họ có, hiện nay, hạn mức tín dụng với lãi suất hỗ trợ cho vay DN trị giá 9.000 tỉ đồng đã được cho vay hết. “Những DN được vay đều là DN ở Hà Nội, thuộc Bộ Xây dựng và không có DN tư nhân nào, DN nào ở khu vực TP HCM. Như vậy là nguồn lực được phân bổ chưa hợp lý. Chưa kể, hạn mức tín dụng cho vay này lại được các DN này sử dụng vào khai thác dự án NOXH mới, không đúng ý nghĩa giải quyết hàng tồn kho mà Nghị quyết 02 đã đề ra. Nếu Bộ Xây dựng phủ quyết việc hậu thuẫn cho vay các DN thuộc Bộ mình, tại sao không công khai danh sách các DN đã được vay?”, vị này khẳng định.

Chờ “trung hạn” đến bao giờ ?

Phải chăng gói tín dụng hỗ trợ chỉ là cái mồi” tâm ly, còn trên thực tế sẽ phá sản?

Theo thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra, thì “gói tín dụng là trung hạn, không phải đưa ra là làm được ngay”. Đối với DN, đây là một thông điệp “sốc”. “Vì theo lẽ thường, giải quyết hàng tồn kho là chuyện cấp bách, là mục tiêu hàng đầu của Nghị quyết 02 và các chính sách đưa ra cần đồng bộ để thực thi mục tiêu trong năm 2013, thì nay lại được Bộ trưởng đứng đầu ngành cho rằng cần xem làm trung hạn. “Trung hạn tức ít nhất 6 tháng đến 1 năm, sau 1 năm đó, giá trị nóng hổi của gói tín dụng có còn? “, một DN không muốn nêu tên đặt câu hỏi ?

Cũng theo thông điệp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, “phải có nhà ở xã hội rồi thì người dân mới mua, mới cho người dân vay, hoặc có nhà thương mại dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhiều lên thì mới có nhiều người vay, nhiều người mua”. Thực tế, theo ông Trần Trọng Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, tính đến thời điểm hiện nay TP HCM đã có một dự án nhà ở thương mại được chuyển sang nhà ở xã hội sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay với tổng số 418 căn hộ. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang xem xét cho 9 dự án nhà ở thương mại sẽ được ưu đãi theo Nghị quyết 02. Các dự án này có khoảng 2.260 căn có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 và thuộc diện sản phẩm mà khách hàng mua được hưởng vay vốn ưu đãi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, với lãi suất 6%/năm. Một thống kê khác cũng của ông Tuấn cho hay, đến nay thành phố còn 12.445 căn hộ tồn kho (tổng trị giá ước hơn 22.000 tỉ đồng), trong đó có 3.652 căn đã hoàn thành, 1.000 căn diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Giả dụ thực tế TP HCM chỉ đang có 1.000 căn hộ tồn kho có diện tích và giá thành đáp ứng quy định để người mua được hưởng gói tín dụng hỗ trợ, vậy tại sao cho trên địa bàn TP HCM, sau 1,5 tháng triển khai, vẫn mới chỉ có 18 trường hợp người dân được giải ngân vay vốn từ gói tín dụng? Một xác suất “trúng” vay tín dụng hỗ trợ quá khắc nghiệt, nếu so với tỉ lệ sản phẩm thực có và hồ sơ đăng ký ?

Như vậy, phải chăng gói tín dụng 30.000 tỉ hỗ trợ chỉ là cái “mồi” tâm lý mà theo đó muốn đạt đến đích giải phóng hàng tồn kho và kích cầu thị trường, các chủ thể trên thị trường từ người vay mua đến DN đều phải biết… kiên nhẫn ? Kiên nhẫn kể cả khi mục tiêu ban đầu và đẹp đẽ về bản chất đã bị xô lệch ?

Theo dddn



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giải phóng tồn kho, kích cầu thị trường từ gói tín dụng 30.000 tỉ: Mục tiêu bị... xô lệch ?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc