top-banner-2

Thứ sáu, 15/02/2019, 11:26 GMT+7

Những đối tượng phải cấp, đổi lại thẻ BHYT năm 2019

Thứ sáu, 15/02/2019, 11:26 GMT+7

Một số đối tượng sẽ được cấp lại thẻ BHYT do thay đổi mã đối tượng, mã quyền lợi.

Nhằm cải cách thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí hành chính trong in, phát hành thẻ BHYT, từ năm 2018, trên thẻ BHYT sẽ không ghi giá trị đến của thẻ và từ 01/01/2019 sẽ không thực hiện in, cấp lại thẻ BHYT (trừ trường hợp cấp lại, cấp đổi thẻ do mất, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ). Tuy nhiên, thực hiện Nghị định số 146/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (Nghị định số 146/NĐ-CP), vẫn có một số đối tượng sẽ được cấp lại thẻ BHYT do thay đổi mã đối tượng, mã quyền lợi. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT, thủ tục khám, chữa bệnh BHYT cũng có một số thay đổi, cụ thể như sau:

doi-the-bhyt

Từ năm 2019 không đổi thẻ BHYT cho nhiều đối tượng tham gia.

Những đối tượng cấp và chuyển đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT

Thứ nhất, trường hợp người tham gia BHYT đề nghị cấp lại, đổi thẻ nếu không thay đổi thông tin thì đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để làm thủ tục.

Thứ hai, chỉ lập danh sách đổi thẻ BHYT cho các đối tượng tham gia cụ thể trong các trường hợp như sau:

- Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ từ mã CK2 sang mã CC1 cho đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Đổi mức hưởng trên thẻ từ mã 2 sang mã 4 cho đối tượng người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (có mã đối tượng KC), nhưng không phải là đối tượng Cựu chiến binh quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

- Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ từ mã HN2 sang mã HK3 cho đối tượng người thuộc hộ nghèo đa chiều không thuộc 02 trường hợp được cấp mã đối tượng HN (người thuộc hộ nghèo không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 9, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).

- Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ từ mã HN2 sang mã ND4 cho đối tượng người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

- Đổi mức hưởng trên thẻ từ mã CT4 sang mã CT2 cho đối tượng người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Trường hợp người tham gia đồng thời thuộc nhiều đối tượng khác nhau, cơ quan BHXH rà soát, đối chiếu dữ liệu đang quản lý với các trường hợp có tên trong hồ sơ đổi mức hưởng, danh sách đối tượng đổi thẻ mới, nếu thẻ cũ cấp theo đối tượng khác có mức hưởng chưa đúng quy định mới, thì đổi thẻ theo mức hưởng cao nhất được áp dụng từ ngày 01/12/2018.

Thứ ba, bổ sung mã đối tượng và mã mức hưởng BHYT cho các đối tượng mới tham gia BHYT, cụ thể như sau:

- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi quy định tại Khoản 5, Điều 2 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là NO và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Cựu chiến binh quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là CB và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 2.

- Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc quy định tại Khoản 5, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là KC và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ quy định tại Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là ND và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Điểm a, Khoản 9, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là HN và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 2.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là TH, mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT) quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là GD và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP) quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là TV và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP) quy định tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là TD và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP) quy định tại Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP: Mã đối tượng ký hiệu là TU và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 4.

- Trẻ em dưới 6 tuổi: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ sinh sau ngày 30/9 thì thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi.

Thứ tư, thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng: thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Các trường hợp được chuyển đổi mức hưởng BHYT thì giá trị sử dụng trên thẻ BHYT tính từ Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP điểm thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng.

Về quyền lợi của người tham gia BHYT

Thứ nhất, người có thẻ BHYT đến KCB từ ngày 01/12/2018, điều trị ngoại trú hoặc nội trú trước ngày 01/12/2018 nhưng kết thúc đợt điều trị ngoại trú hoặc ra viện từ ngày 01/12/2018 thì được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi hưởng BHYT quy định tại Điều 21 Luật BHYT và mức hưởng theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 và 6, Điều 22 Luật BHYT và Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Thứ hai, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến (tự đến KCB tại các cơ sở KCB không phải nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT, trừ các trường hợp đi KCB theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Luật BHYT), sau đó được cơ sở KCB nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác thì quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo mức hưởng quy định tại Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT, trừ các trường hợp sau: Cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB.

Thứ ba, trường hợp sử dụng giấy hẹn khám lại theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP mà trước đó đã được chuyển đúng tuyến theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế: Mức hưởng quy định tại Khoản 1, Điều 22 Luật BHYT. Ngoài các trường hợp nêu trên, mức hưởng thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT.

Thứ tư, trường hợp KCB theo yêu cầu: Quỹ BHYT không thanh toán các chi phí KCB mà người bệnh yêu cầu cơ sở KCB thực hiện.

Thứ năm, đối với các trường hợp KCB tại các tỉnh giáp ranh: Cơ quan BHXH chỉ thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT trong trường hợp người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh, khi đến KCB tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT.

Thứ sáu, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú tại cơ sở KCB nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng.

Thứ bẩy, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị ngoại trú (chưa kết thúc đợt điều trị) hoặc đang điều trị nội trú tại cơ sở KCB nhưng có thay đổi mức hưởng BHYT thì mức hưởng BHYT mới được tính từ thời điểm thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng.

Thứ tám, trường hợp chuyển bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở KCB khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật: Thực hiện khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thứ chín, thanh toán chi phí tại cơ sở KCB tuyến xã đối với trường hợp người bệnh được cơ sở KCB tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế (lưu ý các trường hợp này người bệnh vẫn phải cùng chi trả chi phí KCB theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).

Thứ mười, thanh toán chi phí vận chuyển: Quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Không thanh toán chi phí vận chuyển trong các trường hợp sau: chuyển từ tuyến xã lên tuyến huyện; chuyển từ tuyến xã lên tuyến tỉnh; chuyển từ tuyến xã lên tuyến Trung ương; chuyển từ tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương; chuyển ngang tuyến; chuyển từ tuyến trên về tuyến dưới.

Thứ mười một, thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT trong một số trường hợp theo quy định tại Điều 28, Điều 29 và Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Điều trị nội trú tại cơ sở KCB tuyến tỉnh và tương đương, tuyến Trung ương và tương đương không ký hợp đồng KCB BHYT; KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện và tương đương không ký hợp đồng KCB BHYT.

- KCB tại cơ sở KCB ban đầu nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục KCB theo quy định tại Khoản 1, Điều 28 Luật BHYT.

- Người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT lũy kế trong năm tài chính lớn hơn 06 tháng lương cơ sở nhưng chưa được miễn cùng chi trả tại cơ sở KCB.

- Các trường hợp khác thực hiện sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo VOV.VN - 15/2/2019

Link nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-doi-tuong-phai-cap-doi-lai-the-bhyt-nam-2019-875751.vov


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Những đối tượng phải cấp, đổi lại thẻ BHYT năm 2019

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc