top-banner-2

Thứ năm, 13/06/2013, 14:53 GMT+7

Xây hi vọng đẹp cùng nợ xấu !

Thứ năm, 13/06/2013, 14:53 GMT+7

Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng VN vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Diễn biến tỉ lệ nợ xấu từ năm 2007 đến tháng 2/2013.

Theo đề án, có 10 giải pháp được vạch rõ để xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai, các tổ chức tín dụng chủ động triển khai. Liệu những giải pháp này có thực sự mang đến hy vọng giải tỏa nợ xấu.

Biết mình...

Điều đáng quan tâm và được đánh giá cao là đề án đã tỏ ra chú trọng vấn đề dữ liệu: Xác thực nợ xấu là bao nhiêu. Giải pháp 1 như vậy, là cơ hội để hệ thống tín dụng nhìn lại các khoản nợ trong thời gian qua. Nó cũng hứa hẹn sẽ có sự thay đổi về tỉ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống tín dụng, sau 3 tháng của quý I/2013, kể từ ngày nợ xấu đã được giảm ở mức 8,6% xuống còn 6% như xác nhận của ông Vũ Đức Đam – Chánh Văn phòng Chính phủ. Song, nhìn ở một góc khác, theo nhiều chuyên gia thì đó không có nghĩa là “cơ hội cuối”. Vì giải pháp này được đưa ra không có tính bắt buộc, theo đó có chế tài đi kèm như ý nghĩa của Thông tư 02/TT-NHNN mà NHNN trước đây đã định ban hành, và cũng đã hoãn lại. Do đó, các TCTD có lý do, động lực, có bị thúc ép phải phân loại, nhìn nhận lại nợ xấu đúng như nó vốn có, trên cơ sở đó có một cái nhìn toàn hệ thống về diện mạo nợ xấu và  lấy đó làm căn cứ xử lý nợ xấu hay không, có thể hướng tới xây dựng một bức tranh nợ xấu minh bạch hay không… Thực tế là rất mong manh.

Nếu căn cứ vào một nguồn dữ liệu duy nhất từ cơ quan quản lý trực tiếp hệ thống tín dụng là NHNN, hiện nay, ta cũng khó xác định được con số nợ xấu có thống nhất “đầu cuối” logic. Tháng 7/2012, Chánh Thanh tra NHNN “chốt” nợ xấu 8,6% tương đương 238.626 tỉ đồng. Cũng theo Chánh thanh tra NHNN, đến tháng 9/2012 nợ xấu lên tới 8,97% và chỉ giảm 7,8% vào tháng 12/2012. Tức, nợ xấu từ mức 238,6 tỉ đồng đã tăng lên thêm 8.828 tỉ đồng vào tháng 9 và chỉ giảm 27.916 tỉ đồng vào tháng 12/2012. Thế nhưng, theo báo cáo của Thống đốc NHNN, riêng năm 2012, đã có 70.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý từ trích lập dự phòng rủi ro. 70.000 tỉ đồng, tương đương 3,4% nợ xấu của toàn hệ thống. Như vậy lẽ ra với số tiền đã được trích lập, nợ xấu sẽ chỉ còn 5,2%; Nhưng sang đầu năm 2013, NHNN lại vẫn xác định còn 7,8%?

Và biết... DATC

Trong nhóm 10 giải pháp đã nêu, một trọng tâm khác là bán nợ xấu cho công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) thuộc Bộ Tài chính. Giải pháp này có thể xem là một động thái “chống” độc quyền của VAMC - công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng VN cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập.

Trừ những TCTD có nợ xấu trên 3% sẽ phải bắt buộc bán nợ xấu cho VAMC thì ngoài ra, DATC cũng là một “đích đổ bộ” cho nợ xấu của các TCTD. Điều này thực ra không mới. DATC đã được thành lập từ rất lâu và đã hoạt động song song cùng các Cty Mua bán nợ (hoặc Quản lý nợ) do chính các ngân hàng lớn lập ra. Hiệu quả hoạt động của DATC có chỗ được chỗ mất song rõ ràng, tính đến tại thời điểm hiện nay, vai trò của DATC trong xử lý nợ xấu không thực sự mạnh mẽ, nếu không muốn nói là rất nhạt nhòa, so với DATC ở thời điểm xử lý nợ xấu và hỗ trợ hiệu quả cho một số DN, chủ yếu là DN Nhà nước bị lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính, thua lỗ và gánh nợ nần trước đây.

Chưa kể, theo VEF, Kiểm toán Nhà nước trong tháng 7/2012 cho biết, quá trình kiểm toán đã xác nhận DATC đã không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc DN. DATC cũng gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn. Theo đó, nguồn vốn, quỹ của DATC tính đến 31/12/2010 là 2.616,49 tỉ đồng, trong đó, Cty đã chỉ sử dụng 47,23% vốn, tương ứng 1.235,88 tỉ đồng để làm nhiệm vụ chính - mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc DN. Còn lại, DATC gửi các ngân hàng và Cty cho thuê tài chính II thuộc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (ALCII) và cho vay khoản tiền lên tới 1.272 tỉ đồng, chiếm 48,61% vốn. Tính đến 31/12/2011, các hợp đồng gửi tiền tại ALCII đã quá hạn trên 2 năm nhưng DATC chỉ thu được 12,68 tỉ đồng tiền lãi. Như vậy, nguy cơ trong vụ đầu tư này của DATC là mất vốn Nhà nước ước tính trên 70 tỉ đồng.

Với những “thành tích” như vậy, nay, DATC vẫn được đánh giá và xác định là một đối trọng cùng VAMC trong quá trình xử lý nợ xấu quốc gia – liệu có thỏa đáng và thực sự hiệu quả?

Các cụ ta xưa có câu “biết mình, biết ta trăm trận trăm thắng”. Xử lý nợ xấu đang trở thành một vấn đề quốc gia và cần sự hỗ trợ của rất nhiều nguồn lực, cũng như cần những hình thức, nội hàm phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, mới có thể đi đến thành công. Nguồn lực dù mạnh mẽ tới đâu, quyết tâm có quyết liệt đến mấy, mà những giải pháp nếu không dựa trên cơ sở xác thực, thông tin cụ thể, không biết ta, biết mình… thì e vẫn rất khó xây hy vọng đẹp.

Theo dddn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xây hi vọng đẹp cùng nợ xấu !

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc