top-banner-2

Thứ bảy, 08/02/2014, 10:58 GMT+7

Người đi buôn không bỏ quên thị trường

Thứ bảy, 08/02/2014, 10:58 GMT+7

Cho rằng doanh nghiệp Việt không muốn bỏ ngỏ thị trường quần áo trẻ em cho hàng Trung Quốc, song theo ông Lê Tiến Trường, giá vẫn là lực cản chính khiến sản phẩm trong nước chưa thể chiếm lĩnh thị trường rộng lớn tại nông thôn.

* Năm 2013, xuất khẩu điện thoại đã soán ngôi vương của ngành dệt may. 2014 được dự báo còn nhiều khó khăn, vậy tình hình đơn hàng những tháng đầu năm của Vinatex thế nào thưa ông?

- Về cơ bản, Tập đoàn đã nhận được các đơn hàng đến quý I. Năm nay, chúng tôi hy vọng có đơn hàng khá.

GDP Mỹ dự kiến tăng 2,9% trong năm 2014, Nhật Bản tăng 1,7%. Các nước đều dự báo GDP khá hơn thì không có lý gì nhu cầu của thị trường dệt may lại thấp hơn năm 2013.

Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô cũng dự báo ổn định, lãi suất giảm dần. Tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ ổn định hơn.

Tất nhiên trong bối cảnh cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ có những khó khăn nhất định, chắc chắn sẽ có đơn vị chết. Đây cũng là điều bình thường để sàng lọc.

* Thời trang "made in Vietnam" đang phải cạnh tranh với hàng loạt các hãng quốc tế. Ông bình luận thế nào trước ý kiến cách làm thương hiệu hàng dệt may Việt Nam phải đứng trước một cuộc cách tân lớn để vươn tầm ra thế giới?

- Quan điểm của chúng tôi là mở đại lý ở lân cận, gần về địa lý, tương về đồng kinh tế văn hóa và chưa chịu áp lực quá lớn của các hệ thống phân phối khổng lồ trên thế giới. Đấy là phương thức xây dựng thương hiệu của chúng tôi.

Có những sản phẩm dệt may có thể bán hàng nghìn đôla như Burberry, Louis Vuitton. Người ta sẵn sàng trả cho người may một bộ comple của Hugo Boss giá cao gấp 3 lần bộ comple không tên tuổi. Doanh nghiệp của Vinatex may cho những thương hiệu cao như thế.

Veston của Hugo Boss chẳng phải ai khác mà chính do Hòa Thọ may. Đương nhiên khi Hòa Thọ đã may được thì dây chuyền comple đó được khai thác với giá trị gấp 3 lần may comple cho WalMart.

Hướng đi của chúng tôi là đầu tư đúng kỹ thuật ở mức khá cao để được các thương hiệu lớn chấp nhận về mặt công nghệ. Chúng tôi đầu tư mạnh về con người và quản lý về kỹ năng để đảm bảo làm những sản phẩm cao cấp như thế không có lỗi.

Nhận được đơn hàng những thương hiệu cao cũng là cách cải thiện chính doanh thu trên một đơn vị đầu tư. Không thể làm ngay thương hiệu của mình to lớn hay hoành tráng được.

Phó tổng Vinatex: "Chúng tôi không thể làm thương hiệu một cách hoành tráng ngay".

* Một số ý kiến cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang bỏ rơi phân khúc quần áo trẻ em để hàng Trung Quốc lấn át. Thực hư chuyện này ra sao thưa ông?

- Chúng ta có thể chiếm lĩnh thị trường quần áo trẻ em ở đô thị nhưng rất khó chiếm lĩnh ở khu vực nông thôn do yếu tố giá cả. Thực ra không có cái gì ngon, bổ, rẻ cả.

Đã rẻ thì phải hại một tý, bẩn một tý. Hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thì không có chuyện đó. Chúng tôi sẵn sàng gắn nhãn sinh thái cho quần áo trẻ em.

Nói đến quần áo trẻ em còn phải kể đến cả đồng phục, mặt hàng chúng tôi có cung cấp nhưng chưa được trọn vẹn do đồng phục Việt Nam không có mẫu thống nhất. Mỗi cấp chỉ có khoảng 100 bộ quần áo.

Vinatex đóng vai trò là nhà sản xuất công nghiệp chứ không phải hợp tác xã cũng không phải hiệu may ở nhà. Tiệm may ở nhà nhận được 30 bộ đồng phục cho trẻ con là sướng lắm nhưng với chúng tôi, nhận 30 bộ là chết rồi.

Chúng tôi đã làm với đại học công nghiệp TP. HCM, một số trường trung học lớn ở thành phố vì giá trị cao hơn tiểu học. Ở đây không ai bỏ quên ai.

Người kinh doanh, người đi buôn làm gì có chuyện bỏ quên. Vấn đề là tính mãi mà không làm được. Làm gì có ai đi buôn nào thấy lợi nhuận lại để đó?

Chúng tôi rất quan tâm tới mùa tựu trường của Mỹ. Tháng 2 tháng 3 mà không thấy các đơn hàng của tháng 8-9 là phải đôn đốc khách hàng. Vì chúng tôi biết đây là thời điểm chi tiêu cho trẻ con nhiều nhất ở Mỹ.

Chúng tôi rất muốn áp dụng tại Việt Nam nhưng mà khó thật, vì mẫu mã khác nhau. Trường này phải chéo, trường kia phải cắt cúp. Thực lòng khó quá.

* Ông nghĩ sao trước ý kiến ngành dệt may Việt Nam vẫn loay hoay do khâu vận tải còn yếu?

- Khi doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu tới 100-200 triệu đôla mỗi năm như Việt Tiến, Nhà Bè thì cơ hội làm logistics của họ rất lớn. Thực ra, đội tàu, tần suất tàu của Việt Nam chưa nhiều.

Đơn cử, chúng tôi đã từng khảo sát thị trường Brazil thì thấy rằng giá quần áo dệt may tại đây rất cao. Nếu xuất được vào Brazil thì ai cũng muốn làm ngay, thắng lắm.

Nhưng khổ nỗi, tàu từ Việt Nam đến Brazil thì chỉ đi được 1 chiều, chiều về bỏ trống nên người ta lại chọn từ Việt Nam qua Mỹ, rồi từ Mỹ đến Brazil. Hàng đến nơi mất 1,5 tháng thì không còn thời trang nữa.

Nói đến vận tải thì quan trọng nhất là giá và tần suất tàu đi. Sản xuất dệt may chậm 3 ngày đã phải đi máy bay và lô hàng cầm chắc lỗ. Đơn hàng lỗ 100.000-200.000 đôla là bình thường, nên người ta rất sợ có hàng mà tàu không chạy.

Nên xu thế của doanh nghiệp là làm FOB (giao hàng tại cảng đi), đi nhanh chậm và rủi ro là người mua hàng chịu. Đây chính là nghịch lý, chưa có hàng thì chưa có đội tàu mạnh, vì chưa có đội tàu mạnh nên cũng chẳng ai sử dụng dịch vụ của anh. Thực ra điều này rất khó, như con gà quả trứng cái nào có trước vậy.

* Mới đây Thủ tướng "thúc" doanh nghiệp nhà nước bằng cách yêu cầu thay lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, vậy kế hoạch IPO của Tập đoàn đến đâu rồi thưa ông?

- Về cơ bản chúng tôi hoàn thành xong thủ tục cổ phần hóa công ty mẹ giờ, hiện cần hiệu chỉnh nhưng gì cơ quan chức năng yêu cầu bổ sung. Chắc chắn trong 6 tháng đầu năm 2014 chúng tôi sẽ thực hiện IPO xong.

Chúng tôi cũng đã tính nếu bán quá sớm trước thềm TPP thì giá trị thu được chỉ là 1. Nó cũng giống như bán nhà quá sớm mà không quan tâm tới quy hoạch mở đường. Khi TPP đi đến hồi kết, sẽ có rất nhiều ưu đãi cho dệt may Việt Nam, giá trị bán vốn sẽ khá hơn.

Tôi cho rằng đích là hiệu quả kinh tế của đồng vốn nhà nước khi cổ phần hóa. Điều quan trọng nhất là thu hút được nhà đầu tư xứng đáng để mang lại hiệu quả.

Như vậy, khối các nước TPP đang chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Nếu hiệp định này thuận lợi thì thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam có cơ hội tăng trưởng mạnh.

Đó là một “work win” cho nhà đầu tư. Điều này cho phép chủ nhà nước của Tập đoàn Dệt may có những lọi thế khi cổ phần hóa.

VNEXPRESS


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Người đi buôn không bỏ quên thị trường

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc