Nguyễn Hải Bình: Hai lần "ngược gió" |
Thứ bảy, 24/08/2013, 18:17 GMT+7 |
Từ cao nguyên xuống phố để lĩnh hội kiến thức, ngày trở về của Nguyễn Hải Bình mang cả tâm huyết của một người trẻ, quyết đem công nghệ làm mới nghiệp nông gia. Để rồi sau đó, anh lại mang hoa trái thơm lành của vùng đất mộng mơ về kinh doanh nơi phố thị. Giới công nghệ thông tin biết nhiều đến Nguyễn Hải Bình với vai trò Giám đốc Phát triển thị trường của một công ty đa quốc gia. Đầu quân vào một tập đoàn quốc tế lớn, cái mà Nguyễn Hải Bình đạt được không chỉ là thu nhập mà còn là kinh nghiệm và nhất là được thỏa đam mê sống cùng công nghệ. Sống trong môi trường IT, hơn ai hết, anh hiểu rằng sức mạnh của công nghệ có thể thay đổi mọi thứ. Đem "số” về làng Gặp Nguyễn Hải Bình tại một sự kiện ẩm thực, bỏ đi cái "mác IT", những kiến thức về rau củ của anh dễ khiến người ta bất ngờ và lầm tưởng anh là một chuyên gia nông nghiệp. "Không rành sao được, gia đình tôi thuần nông nghiệp, tôi lớn lên từ vườn rau, rẫy cà mà”, Bình bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. Gia đình nhiều đời gắn chặt với ruộng vườn nên nên Nguyễn Hải Bình trở về quê, cùng với anh trai của mình là kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Cường triển khai mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn Global GAP để nâng cao giá trị nông sản của gia đình. Quyết định của Bình cũng là ý muốn của cả gia đình nên chỉ một năm sau đó, chứng chỉ này đã về tay, dẫu rằng, tiêu chuẩn để có Global GAP chẳng dễ dàng. 90% diện tích của 15ha đất vườn tại Đà Lạt của gia đình Bình đã trang bị nhà kính với hệ thống tưới và bón phân tự động. Ngoài hình thức gieo trồng bình thường, Bình còn đưa cả mô hình trồng rau khí canh và trồng trên giá thể vào ứng dụng. Bình kể, ngày đó, việc ứng dụng quy trình Global GAP ở Đà Lạt vẫn còn rất hiếm nên việc thuê chuyên gia tư vấn tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, khi đã hoàn tất quy trình này, người nông dân có khả năng kiểm soát chất lượng và dịch bệnh trên sản phẩm của mình rất tốt. Giá thành sản phẩm tuy có cao hơn bình thường nhưng lại rất "vừa mắt" với các đơn vị nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản... Nhờ vậy mà nông sản của gia đình có cơ hội được xuất ngoại. "Để đưa được hàng đến với những thị trường khó tính, người nông dân phải vượt qua đợt sàn lọc rất kỹ để truy nguyên các loại thuốc thực vật mà mình đã sử dụng trong suốt quá trình sản xuất", Bình chia sẻ. Tiếp nối những đơn hàng xuất khẩu, Bình còn nhận được những đơn hàng của các khách sạn cao cấp tại TP.HCM. Chính những đơn hàng này buộc Bình phải suy nghĩ về thị trường trong nước. Chở rau về phố Lặn lội ra tận các chợ đầu mối từ mờ sáng, sau đó lại chạy về các chợ nhỏ, siêu thị... khi có thời gian rảnh là những gì Nguyễn Hải Bình đã làm để khảo sát thị trường. Anh tiết lộ, thị trường bán lẻ rau tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung rất lớn bởi rau là nhu cầu chính trong mỗi bữa ăn. Phần lớn thị trường là rau nội nhưng gần như tất cả đều không rõ nguồn gốc. Tỷ lệ rau sạch trên thị trường chưa đến 5%. Điều đáng chú ý là vài năm trở lại đây, thị trường rau an toàn đã bắt đầu khởi động nhưng khái niệm này chưa được làm rõ. Có nhiều nơi, khái niệm rau sạch mà đơn vị cung cấp dùng đơn giản chỉ là rau đã rửa sạch đất bám, còn việc có sử dụng các hóa chất hay không là... hạ hồi phân giải. "Gần đây, lượng nông sản độc hại từ Trung Quốc tràn vào với mác rau củ nội, ý thức về an toàn thực phẩm đang tăng cao như hiện nay khiến tôi nghĩ đã đến lúc mình bước chân vào thị trường", Bình bảo vậy. Ngoài yếu tố thời cơ, với Bình, chuyện đem rau sạch về phố còn là cách để tự trả lời câu hỏi của chính mình là vì sao những sản phẩm tốt lành lại chỉ để phục vụ người nước ngoài hay tầng lớp thượng lưu có điều kiện sống tại các khách sạn sang trọng. Để tiếp cận khách hàng, Bình chọn hình thức chuỗi cửa hàng bán lẻ. Đà Lạt GAP Store của Bình không quá hoành tráng về mặt diện tích nhưng lại được chăm chút kỹ lưỡng về mặt trưng bày, bảo quản và cung cấp thông tin, giá trị dinh dưỡng của từng loại rau quả cho khách hàng. Đó là nơi Bình mang tất cả nông sản có chất lượng đủ để xuất khẩu phục vụ cho thị trường trong nước. So với các cửa hàng rau sạch khác, giá cả ở Đà Lạt GAP Store hoàn toàn có thể cạnh tranh bởi nguồn hàng "từ trang trại đến bàn ăn" nên giá bán rẻ hơn hẳn. Tất nhiên so với giá rau ở chợ, nó có phần nhỉnh hơn. Bình tính toán: "Nếu nhìn vào phần nổi, phần chênh lệch giá, những bà nội trợ dễ chọn rau chợ nhưng nhìn vào phần chìm, chưa kể đến tính an toàn thực phẩm thì với các chi phí như hao hụt, làm sạch... giá cả của hai loại là tương đương bởi phần hao hụt từ khi mua về đến khi dùng chưa đến 5%". Chính điều này mà chỉ sau một thời gian ngắn, khách hàng đã biết đến Đà Lạt GAP Store nhiều hơn. Để xử lý tốt dự án, cùng với nhân viên, Bình phải trả là những ngày thức từ 3 giờ sáng và làm việc miệt mài đến tận 8 giờ tối. Đến nay, Bình đã chạm được con số thứ 2 trong dự định đưa Đà Lạt GAP Store thành chuỗi cửa hàng. Tỷ trọng xuất khẩu của Đà Lạt GAP trước đây trên 80%, nay thị trường nội địa đã chiếm 30%. Anh tiết lộ, trong năm nay, lộ trình mà anh vạch ra là mở thêm 2 cửa hàng nữa và tiến đến ứng dụng thương mại điện tử để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Với một giám đốc rành IT như Bình, có lẽ, những dự định của anh không nằm quá tầm tay. "Cái khó nhất là thuyết phục được khách hàng và chủ động nguồn cung bởi rau quả là hàng hóa không thể bảo quản lâu, muốn vậy, phải tính toán tốt để tăng sản lượng từ trang trại", Bình chia sẻ. Với chàng trai 8X này, một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển trong tương lai không xa luôn là niềm tin và đích ngắm để hướng đến. Theo DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|