Người phụ nữ đầu tiên cầm cương Cục Dự trữ Liên bang Mỹ |
Thứ sáu, 25/10/2013, 08:50 GMT+7 | |
Trong thế giới của các nhà kinh tế học, vốn chẳng bao giờ chịu nghe nhau, có một điều khiến cho họ thống nhất: Janet Yellen là con người tốt bụng và trung thực hiếm có. Sau Lawrence Summers, ứng viên được ông Barack Obama tiến cử đã tháo chạy, Janet Yellen là khuôn mặt sáng giá nhất thay thế chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke. Ngày 9/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến cử nữ Giáo sư Kinh tế học Janet Yellen (67 tuổi) làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED). Theo đó bà Yellen sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí cao nhất trong suốt lịch sử một thế kỷ hoạt động của tổ chức này. Sự bổ nhiệm bà Yellen chỉ còn đợi phê duyệt của Thượng viện Mỹ bởi đối thủ nặng ký nhất của bà là ông Lawrence Summers, cố vấn kinh tế cao cấp của ông Obama, đã tự rút lui khỏi cuộc đua khi biết trước sẽ không thể thoát khỏi những thành viên thuộc đảng Dân chủ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến cử nữ Giáo sư Kinh tế học Janet Yellen (67 tuổi) làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED). Có thể nói quyết định bổ nhiệm này diễn ra vào thời điểm cấp bách và nhạy cảm nhất bởi bất kỳ động thái nào của FED trong thời gian tới đều sẽ có tác động lớn đối với nền kinh tế thế giới. Xuất sắc và đam mê Bà Janet Yellen theo học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Brown (Rhode Island) năm 1967 và lấy bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Yale (năm 1971). Giáo sư nhận giải Nobel kinh tế – Joseph Stiglitz đã khẳng định, trong 47 năm giảng dạy, bà Yellen là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của ông. Giới chuyên môn thì cho hay, bà Yellen là chuyên gia kinh tế rất được nể trọng tại Mỹ, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong giới học thuật và Ngân hàng Trung ương. Được biết, bà Yellen có thâm niên làm việc cho FED nhiều hơn cả 3 chủ tịch gần đây nhất của cục dự trữ này và đã từng là cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Trong giai đoạn từ năm 1971-1976, bà làm trợ lý giáo sư tại Trường đại học Harvard. Từ năm 1977-1978, bà làm việc tại Hội đồng Thống đốc của FED trong vai trò là một nhà kinh tế học. Năm 1980, bà trở thành giáo sư giảng dạy bộ môn kinh tế vĩ mô và môn quản trị kinh doanh tại Đại học Berkeley và thường xuyên được mời sang thỉnh giảng tại Trường Kinh tế London của Anh. Từ năm 1997-1999, Yellen được cựu Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống. Trước đó từ năm 1994-1997, bà là thành viên Hội đồng Quản trị của FED, đồng thời là giảng viên chính thức tại Trường đại học Harvard và Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế quốc tế (WEAI). Từ giữa năm 2004 đến hết năm 2010, bà đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của FED tại San Francisco. Năm 2010, Tổng thống Obama bổ nhiệm Yellen làm Phó chủ tịch của FED và bà đã đảm nhiệm chức vụ đầy trọng trách này từ đó cho đến nay. FED là nơi bà thể hiện đam mê của mình với công việc nhưng cũng chính là nơi bà gặp người bạn đời – ông George Akerlof, một đại diện tiêu biểu của trường phái kinh tế Keynes mới. Ông Akerlof cũng là người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 cùng với Micheal Spence và Joseph Stiglitz. Chuyện tình lãng mạn của hai nhà kinh tế học này đã tạo nên một sự hợp nhất đáng ngưỡng mộ, nhất là trên khía cạnh tri thức. Trong khi bà giảng dạy tại Trường Havard và Trường Kinh tế London, rồi trở thành giảng viên tại Berkeley từ năm 1980, họ đã cùng nhau nghiên cứu về tính cứng nhắc của tiền lương và giá cả. Hầu hết các nghiên cứu học thuật của bà đều được tiến hành cùng chồng. Các nghiên cứu thường tập trung vào hậu quả và nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp. Khi được hỏi về các con số thống kê trong các nghiên cứu, bà Yellen nói: “Chúng không đơn thuần chỉ là những con số mà chúng liên hệ mật thiết với hiện thực cuộc sống. Chúng tôi biết rằng tình trạng thất nghiệp dài hạn sẽ hủy hoại cuộc sống những người làm việc và cả gia đình của họ”. Cả hai người đều có niềm say mê rất lớn đối với kinh tế học và được cho là đã mang vấn đề kinh tế để trao đổi trong khi đi tắm biển. Còn bản thân bà Janet Yellen đã từng hóm hỉnh chia sẻ: “Nếu có dịp ăn tối tại nhà tôi, có thể bạn sẽ toàn phải nghe các cuộc thảo luận về kinh tế ngay tại bàn ăn”. Không giống như hình ảnh “ngôi sao của các nhân viên Ngân hàng Trung ương” mà người ta thường miêu tả những nhân vật khi đảm nhận vị trí này, Yellen lại là một học giả rất khiêm tốn. Bà đã dành cả sự nghiệp của mình làm việc ở những vị trí hậu trường dù ở FED hay trong công việc giảng dạy. Làm những công việc thầm lặng nhưng nữ Chủ tịch đầu tiên của FED cũng không ngần ngại phá vỡ một số quy tắc. Đã có nhiều lần người ta thấy bà ăn trưa với nhân viên bình thường của FED bởi bà cho rằng đây là cơ hội tốt để tìm hiểu xem người khác đang nghĩ gì, và bà yêu thích những cuộc trao đổi này. Tại FED, bà nổi tiếng là người tỉ mỉ và chi tiết. Bà không muốn chỉ dừng lại ở những kết luận: Liệu mức lạm phát có đang đi đúng hướng hay không, liệu các mô hình có đang hoạt động, tại sao đồng USD mất giá và đâu là những rủi ro? Mà còn hơn thế, bà muốn thảo luận rất nhiều điều với đội ngũ chuyên gia của mình, đó cũng chính là điểm khiến bà say mê với công việc này. Bên cạnh đó, khả năng phân tích dữ liệu và những con số của bà đã khiến cho cựu Chủ tịch FED, ông Alan Greenspan phải thán phục. Ông Alan đã từng phát biểu trong một bài phỏng vấn hồi cuối năm 2000 rằng: “Những cuộc trò chuyện với Janet và những trình bày của bà ấy đã luôn cuốn hút tôi”. Nhỏ nhắn nhưng táo bạo, người phụ nữ này cũng đã từng làm rúng động FED khi quyết liệt yêu cầu phải làm rõ sự minh bạch của các chính sách tiền tệ. Và kết quả là vào tháng 1/2012, lần đầu tiên FED đã phải công bố các chỉ tiêu về lạm phát và thất nghiệp. Bà Yellen khẳng định niềm tin rằng thời kỳ “không bao giờ giải thích và không bao giờ xin lỗi” đã đi vào quá khứ. Với Yellen, kinh tế học không phải là một bộ môn khô khan mà nó liên quan trực tiếp và bao gồm những gì chân thật nhất của cuộc sống và bà tin rằng sẽ là hoàn toàn xứng đáng nếu như chúng ta chịu mạo hiểm một chút với tỉ lệ lạm phát để có thể tạo ra nhiều công việc hơn. Biểu tượng của trường phái “Bồ câu” và chủ trương “Thà lạm phát còn hơn thất nghiệp” Janet Yellen nổi tiếng trong giới tài chính ở phố Wall như là biểu tượng của trường phái “Bồ câu”, vì bà luôn ưu tiên theo đuổi những chính sách kinh tế quan tâm nhiều hơn tới nạn thất nghiệp và đà lạm phát, chống lại việc tăng lãi suất ngân hàng. Xuất thân trong một gia đình có cha là bác sĩ và mẹ là giáo viên, cha mẹ bà đều trải qua thời kỳ đại suy thoái những năm 30. Ký ức về nạn thất nghiệp và sự tàn phá trong thời gian ấy đã trở thành ý thức gia đình và ý thức giáo dục đó luôn ảnh hưởng đến bà. Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Barack Obama đã miêu tả Yellen là người phụ nữ “tài giỏi khác thường”. Tổng thống nhấn mạnh, Janet Yellen là người tận tâm với nhiệm vụ tạo ra nhiều việc làm tại Mỹ, việc chọn bà là người đứng đầu nền kinh tế hàng đầu thế giới là một trong những quyết định quan trọng nhất mà ông từng đưa ra. Cũng theo Tổng thống Obama, Yellen là người hiểu biết sâu sắc về thị trường cũng như cả nền kinh tế, không chỉ trên lý thuyết mà cả trong thực tế. Nói được như vậy là vì bà đã từng sớm cảnh báo về tình trạng bong bóng nhà đất và tài chính, vốn gây ra cuộc suy thoái những năm 2008-2009. Vào tháng 6/2007, trong một cuộc họp Hội đồng Thống đốc của FED, Chủ tịch Ben Bernanke đã đưa ra kết luận: Nền kinh tế đang trong trạng thái ổn định. Bằng giọng nói bình tĩnh nhưng kiên quyết, bà Yellen lên tiếng khẳng định bà vẫn cảm thấy có sự hiện diện của một vấn đề lớn trong ngành bất động sản. Nguy cơ suy giảm đáng kể trên thị trường nhà đất được biểu hiện thông qua giá nhà sụt giảm và sự suy yếu của các khoản vay đang ngày càng mở rộng và điều này khiến bà hết sức lo ngại. Vài tuần sau đó, những lo ngại của bà Yellen đã trở thành hiện thực. Năm 2007, cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn đã gây ra một hiệu ứng dây chuyền nhanh chóng, có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau những năm 30. Mới đây, tờ Wall Street Journal đã phân tích lại hơn 700 dự báo về nền kinh tế và lạm phát, từ năm 2009 đến 2012 của 14 chủ tịch các Cục Dự trữ liên bang. Kết quả cho thấy, bà Janet Yellen là người đưa ra được những dự báo thích đáng nhất. Trước khi được đề cử, bà Janet Yellen từng tuyên bố: sẽ không phá vỡ chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm đẩy lùi tình trạng thất nghiệp tăng cao của FED. Ngay sau khi Yellen được đề cử làm tân Chủ tịch FED, chỉ số Dow Jones Mỹ đã tăng 0,18% bởi công chúng kỳ vọng tân Chủ tịch FED sẽ không vội vã cắt giảm kích thích kinh tế mà bắt đầu đưa ra những tín hiệu nâng trần nợ. Hiện tại, Tổng thống Barack Obama đang tác động để Thượng viện Mỹ nhanh chóng phê chuẩn bà Janet Yellen trước những thách thức cấp bách mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Giống như người tiền nhiệm Ben Bernanke, bà Janet Yellen ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ, tán đồng FED tiếp tục bơm tiền vào thị trường và duy trì lãi suất ở mức thấp. Theo bà Yellen, phải hành động tích cực hơn để tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi cho dù đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo bà, FED có thể hỗ trợ bằng cách đảm bảo mọi người đều có cơ hội làm việc và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với mục tiêu tạo công ăn việc làm chứ không can thiệp mạnh về lạm phát nên bà nổi tiếng với chủ trương “thà lạm phát còn hơn thất nghiệp”. Theo bà Yellen, FED phải đảm bảo lạm phát trong tầm kiểm soát, cũng như đảm bảo sức khỏe của hệ thống tài chính và sức mạnh lớn nhất của FED chính là cách thức giải quyết các vấn đề quan trọng. Hầu hết các quan chức của FED đều cho rằng, việc rút lại chương trình kích thích trong năm nay là phù hợp, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định trì hoãn động thái này hồi giữa tháng 9. Theo kết quả cuộc họp chính sách tháng 9, đa số quan chức FED thấy hợp lý khi rút lại chương trình mua 85 tỉ USD trái phiếu/ tháng (QE3) trong năm nay và kết thúc vào giữa năm 2014. Cuộc họp cũng cho thấy, những người ủng hộ duy trì chương trình mua tài sản cho rằng hành động thu hồi QE3 có thể khơi mào cho việc thắt chặt các điều kiện thị trường tài chính và lãi suất cao hơn có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Có người kỳ vọng FED chưa cắt giảm quy mô gói kích thích trong tháng 10 vì Chủ tịch FED Ben Bernanke không tổ chức họp báo do chính phủ đang đóng cửa. Nhiều khả năng, FED sẽ rút gói kích thích trong tháng 12. Về phía bà Yellen, phát biểu sau thông báo bổ nhiệm của Tổng thống Obama, bà cho biết: nếu được chọn là người đứng đầu FED, bà sẽ ưu tiên đẩy mạnh phục hồi kinh tế và thúc đẩy việc làm bằng cách giữ mức lãi suất thấp. Giới tài chính cho rằng, với việc đề cử bà Janet Yellen làm Chủ tịch FED, Tổng thống Barack Obama không những tái khẳng định mục tiêu chính sách kinh tế và tài chính, mà còn định hướng cho cả thời kỳ sau khi rời Nhà Trắng. Điều này cho thấy Mỹ đang muốn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và giảm tỉ lệ thất nghiệp. Nếu Yellen làm Chủ tịch FED, đó sẽ là sự tiếp nối những chính sách tiền tệ mà Mỹ đã theo đuổi từ trước. Như vậy, “con bồ câu” Janet Yellen chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất của Chính phủ Mỹ vào lúc này.
Người đăng: NP (TST) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|