Hai tỷ phú giàu nhất thế giới tranh hợp đồng đóng tàu vũ trụ cho NASA |
Viết bởi Đức Lợi |
Thứ năm, 29/04/2021, 11:02 GMT+7 |
Blue Origin phản đối quyết định của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về trao một hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD cho SpaceX... Blue Origin phản đối quyết định của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khi cơ quan này trao một hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD cho SpaceX. Động thái này là một bước leo thang mới trong cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm giữa hai công ty du lịch vũ trụ thuộc sở hữu của hai tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos và Elon Musk. Theo tin từ CNN Business, NASA đã chọn SpaceX, công ty của ông Musk, để chế tạo một hệ thống có tên Human Landing System (HLS) phục vụ cho việc đưa các nhà du hành vũ trụ của NASA đáp xuống Mặt Trăng trong sứ mệnh du hành mang tên Artemis. Lúc đầu, NASA dự kiến sẽ ký hợp đồng với ít nhất hai công ty tư nhân để cả hai cạnh tranh chế tạo tàu du hành HLS. Tuy nhiên, đầu tháng 4 này, NASA bất ngờ tuyên bố chọn SpaceX là nhà thầu duy nhất cho dự án, với lý do muốn tiết kiệm chi phí. Trong một cuộc trao đổi cách đây ít hôm với tờ New York Times, CEO Bob Smith của Blue Origin nói rằng quyết định của NASA là sai lầm bởi cơ quan này đã đánh giá thiếu chính xác về những lợi thế trong đề xuất mà Blue Origin đưa ra, cũng như xem nhẹ những thách thức kỹ thuận trong đề xuất của SpaceX. Thông qua mạng xã hội Twitter, CEO Musk của SpaceX đáp trả rằng với ngụ ý rằng tàu vũ trụ của Blue Origin không thể đáp ứng được các yêu cầu mà NASA đưa ra. Ông cũng “chế nhạo” Blue Moon - tên dự án tàu vũ trụ của Blue Origin - là “Blue Balls” (những quả bóng xanh). Việc tranh giành hợp đồng như vậy không phải là chuyện hiếm, nhất là trong ngành hàng không vũ trụ, nơi NASA và quân đội Mỹ là khách hàng chủ chốt của các công ty sản xuất tên lửa và tàu vũ trụ thuộc khu vực tư nhân. Việc được hay mất hợp đồng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty. Tuy nhiên, Blue Orgin và SpaceX đặc biệt “to tiếng” trong sự đối đầu giữa hai bên. “Chính NASA nói rằng họ đã đưa ra một sự lựa chọn có mức độ rủi ro cao”, Blue Origin nói trong một tuyên bố. “Quyết định của họ xoá bỏ cơ hội cạnh tranh… và đặt ra nguy cơ cho cuộc trở lại Mặt Trăng của người Mỹ. Vì lý do đó, chúng tôi đã nộp đơn phản đối lên cơ quan chức năng”. Trong đề xuất của mình cho chương trình HLS, Blue Origin muốn hợp tác với các nhà thầu lâu năm của Chính phủ Mỹ như Northrop Grumman và Lockheed Martin để thiết kế một tàu đổ bộ không gian dành riêng để phục vụ trạm vũ trụ Gateway mà NASA dự kiến đưa lên quỹ đạo Mặt Trăng. Trong khi đó, SpaceX đề xuất sử dụng Starship, một hệ thống gồm tàu vũ trụ và bệ phóng tên lửa đang ở giai đoạn mới phát triển đặt ở miền Nam bang Texas. Mục tiêu chính của SpaceX khi chế tạo Starship là đưa con người lên Sao Hoả, nhưng SpaceX tính sẽ sử dụng một phiên bản có điều chỉnh của hệ thống này để phục vụ chương trình Artemis của NASA. Về mặt lý thuyết, Starship có thể đưa các nhà du hành của NASA thẳng từ mặt đất lên Mặt Trăng, nhưng NASA muốn sử dụng kết hợp tàu du hành này với hệ thống phóng tên lửa Space Launch System (SLS) và tàu du hành Orion của cơ quan này. Trong một cuộc họp báo mới đây, giới chức NASA cho biết theo kế hoạch hiện tại, SLS sẽ đưa các nhà du hành lên quỹ đạo Mặt Trăng, rồi sau đó du hành đoàn sẽ lên trạm vũ trụ Gateway, và từ đó tàu Starship sẽ đưa các nhà du hành đổ bộ Mặt Trăng. Theo Bình Minh Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|