top-banner-2

Thứ sáu, 23/10/2020, 16:17 GMT+7

Chuyện của nữ doanh nhân làm trong ngành dịch vụ tang lễ

Viết bởi ducanh   
Thứ sáu, 23/10/2020, 16:17 GMT+7

Ang Jolie Mei làm mới dịch vụ tang lễ với nhiều sản phẩm đa dạng, như cung cấp các dịch vụ đặc biệt dành cho trẻ em, thậm chí là cả thai nhi qua đời.

chuyen-cua-nu-doanh-nhan-lam-trong-nganh-dich-vu-tang-le

Ang Jolie Mei đã lên kế hoạch gặp chúng tôi tại văn phòng công ty của cô ở Singapore. “Bạn có thể tới văn phòng của tôi để tự mình chứng kiến công việc chúng tôi đang làm", Ang nhiệt tình chia sẻ, đồng thời chỉ đường cho chúng tôi tới con phố mà người dân gọi là “Ngõ tử vong”.

Tuy nhiên, tiếc là ngay trước hôm hẹn gặp, cô đã gọi điện báo chuyển địa điểm tới nhà cô do văn phòng của công ty “có việc vào buổi sáng”.

Là một người phụ nữ làm việc trong ngành dịch vụ mai táng, nhưng Ang lại khiến người đối diện bất ngờ vì sự hoạt bát và sức sống trẻ trung của mình. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu trong căn hộ chung cư của cô ở quận Tiong Bahru. Từ đây tới nhà tang lễ do công ty của cô vận hành chỉ mất khoảng 20 phút chạy xe. Nó nằm trên con phố với hàng chục cơ sở kinh doanh cùng ngành và đây cũng là lý do đoạn đường này được gọi bằng cái tên “Ngõ tử vong”.

“Người Trung Quốc có câu nói ‘sinh, lão, bệnh, tử’, ngụ ý rằng đời người ai cũng sẽ trải qua 4 giai đoạn này,” Ang nói. “Nhưng tôi không đồng ý với điều đó. Tôi đã từng mai táng cho những người được sinh ra, già đi và qua đời vì tuổi cao sức yếu. Tôi cũng đã mai táng cho những người được sinh ra, mắc bệnh rồi mất vì bệnh tật. Và đôi khi, thật không may, tôi mai táng cho cả những bé chưa kịp lớn lên đã sớm qua đời. Vì vậy, hằng số duy nhất là cái chết. Bệnh tật và tuổi già ư? Không có gì đảm bảo nó sẽ xuất hiện cả".

Ang là con gái cả của Ang Yew Seng - Giám đốc nhà tang lễ Ang Yew Seng Funeral Parlour, người được mệnh danh là “Vua quan tài” khi cung cấp các dịch vụ tang lễ miễn phí cho người nghèo. Cô tham gia vào ngành dịch vụ này kể từ khi cha mình qua đời vào năm 2004. Các thành viên trong gia đình cô cũng đều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hậu sự cho người đã khuất: em gái cô làm nghề xử lý thi thể và mẹ cô hiện đang thay chồng điều hành công việc của nhà tang lễ Ang Yew Seng Funeral Parlour.

Điều này giải thích cách tiếp cận của Ang với chủ đề mà nhiều người – đặc biệt là ở châu Á, nơi tình trạng mê tín vẫn tồn tại và lan rộng – muốn tránh né.

Tháng 7 vừa qua, Ang đã phát hành ấn bản lần hai cuốn hồi ký của cô, Dying to Meet You. Trong cuốn sách của mình, người phụ nữ 40 tuổi này đã mô tả những gì diễn ra trong phòng quàn ướp (cô đã dành hẳn một chương để nói về sự phức tạp của việc bảo quản xác chết; ví dụ như việc phải sử dụng một cây kim hình chữ S để khâu lại các vết thương hở trên da, vì da hai bên vết thương không thể kéo hay túm lại như vải); trình bày chi tiết nghi lễ mai táng ở một đất nước đa văn hóa như Singapore; và làm rõ nhiều chuyện nghe có vẻ hoang đường, chẳng hạn như chuyện những người qua đời với đôi mắt vẫn mở to là do họ không an lòng nhắm mắt xuôi tay.

Cuốn sách được cập nhật còn bổ sung thêm một phần nói về sự tử vong, các nghi lễ mai táng liên quan cũng như những khó khăn của Ang trong quá trình xử lý hậu sự cho những người qua đời vì Covid-19.

Ang bắt đầu vận hành nhà tang lễ của riêng mình, The Life Celebrant, vào năm 2010. Bên cạnh việc xử lý những vấn đề thông thường mà hầu hết các nhà tang lễ gặp phải như thuê địa điểm để quàn xác, trang điểm cho thi thể và đảm bảo thân nhân các gia đình, dù vì lý do gì, cũng không làm gián đoạn quá trình mai táng, The Life Celebrant còn cung cấp một số dịch vụ độc đáo, bao gồm dịch vụ làm đẹp cho người đã khuất và các nghi thức tang lễ đặc biệt cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh và thai nhi.

“Khi bạn phá thai, hầu hết các bác sĩ sản khoa sẽ nói với bạn có thể xử lý xác thai nhi như chất thải y tế hoặc giữ nó trong hộp y tế vô trùng,” Ang chia sẻ. “Nhưng tôi không đồng ý với cách làm này. Mỗi người đều có một cuộc đời, cho dù nó ngắn ngủi tới đâu.”

Tại The Life Celebrant, xác thai nhi sẽ được đặt trong những chiếc quan tài nhỏ màu xanh dương hoặc hồng, với lớp đệm bằng nhung mềm. Dẫu rằng hầu hết các bào thai bị phá trong tuần đầu thai kỳ hầu như vẫn chưa thành hình và bản thân Ang cũng thừa nhận chúng “quá nhỏ để hỏa táng”, song cô tin rằng việc làm của mình có ý nghĩa đặc biệt.

“Tôi đã gặp nhiều cặp cha mẹ luôn cảm thấy day dứt vì không thể nói lời tạm biệt với đứa con xấu số của mình. Việc thực hiện một lễ mai táng trang nghiêm sẽ giúp họ vơi bớt phần nào nỗi đau".

Showers of Love là tên dịch vụ “chăm sóc trị liệu” cho người đã khuất tại nhà tang lễ của Ang. Nó cho phép các thành viên trong gia đình thực hiện nghi thức tiễn đưa lần cuối với người đã khuất, bao gồm việc tắm rửa và làm đẹp cho thi thể. Một nữ nhân viên sẽ hỗ trợ gia đình thực hiện toàn bộ quy trình, từ làm tóc, trang điểm và mặc quần áo cho người thân đã lìa đời của họ. Ang tin rằng thay vì một người lạ, các thành viên trong gia đình sẽ biết cách ăn mặc đẹp nhất cho người đã khuất.

“Mọi người từng nghĩ tôi thật điên rồ: tại sao mọi người lại muốn nhìn thấy những người thân yêu đã khuất của họ được tắm rửa, thậm chí được chăm sóc trị liệu?”, Ang nhớ lại quãng thời gian khi vừa ra mắt dịch vụ này hồi năm 2007. “Nhưng trước khi bắt đầu dịch vụ Showers of Love, tôi đã liên tục nghe thấy nhiều người kể về những trải nghiệm tồi tệ của họ ở các nhà tang lễ khác. Họ nói ‘Mẹ ơi, khuôn mặt bố trang điểm không ổn lắm’ hoặc ‘Mái tóc của bố trông tệ quá’. Và tất cả những điều này cuối cùng sẽ trở thành nỗi hối tiếc của người còn sống.”

Ang hiểu rõ về sự hối tiếc này. Cái chết đột ngột của cha cô vào năm 2004 khiến cả gia đình cô vô cùng đau buồn. “Chúng tôi thậm chí không thể quyết định được sẽ sử dụng bức ảnh nào trong đám tang của ông,” Ang kể. "Chúng tôi chỉ giả định những gì ông có thể sẽ thích".

Cha Ang không muốn con gái tham gia công việc kinh doanh của gia đình - “vì chúng tôi là phụ nữ nên ông không bao giờ yêu cầu chúng tôi giúp đỡ” - nhưng điều đó không có nghĩa là cô luôn tránh xa nhà tang lễ. Cô nhớ lại một việc xảy ra khi mình còn nhỏ: nhà tang lễ của cha cô nhận xử lý một thi thể có khuôn mặt tổn thương nghiêm trọng đến nỗi các nhân viên phải cấm cô không được nhìn vào thi thể này. Nhưng Ang không tuân theo lời cấm đoán đó, bởi cô muốn hiểu mọi khía cạnh của công việc này.

Trong cuốn sách của mình, Ang tiết lộ nhược điểm duy nhất của một người phụ nữ khi làm việc trong ngành dịch vụ tang lễ là nguy cơ gặp phải chấn thương trong quá trình xử lý thi thể. “Nguy cơ nghề nghiệp hàng đầu là chấn thương lưng, thường là do phải thường xuyên nâng vật nặng”.

Đôi khi, Ang cũng phải đối mặt với không ít hành vi quấy rối tình dục từ khách hàng của mình. “Có một người đàn ông gặp tôi để bàn kế hoạch tổ chức đám tang cho mẹ mình. Khi nói chuyện, anh ta khá khiếm nhã và thường cố tình vòng tay qua eo tôi, nhưng chúng tô biết rõ cần phải vạch ranh giới ở đâu.”

Ang và 9 nhân viên của cô - 7 người trong số đó là phụ nữ - xử lý từ 10 đến 20 đám tang mỗi tháng. Họ rất quen thuộc với các nghi thức hậu sự của các tôn giáo khác nhau. Ví dụ, cô luôn đặt một viên ngọc trai có đường kính từ 1 cm đến 1,5 cm trong miệng của một người theo Đạo giáo. Theo quan niệm của tông giáo này, viên ngọc trai đó có thể giúp họ “mua chuộc” các phán quan ở địa ngục, nhờ đó họ có thể có một hành trình suôn sẻ sang thế giới bên kia.

Theo lời kể của Ang, những năm gần đây, cách người Singapore lên kế hoạch cho đám tang của họ đã thay đổi đáng kể. “Trước đây, mọi người thường chỉ chú trọng vào chiếc quan tài khi lên kế hoạch cho một đám tang – nó có được làm bằng gỗ tốt không, có chắc chắn không. Nhưng bây giờ, trọng tâm đã thay đổi. Mọi thứ không chỉ xoay quanh chiếc quan tài nữa mà còn liên quan tới những trải nghiệm và cảm xúc".

Sự đa dạng về sắc tộc tại Singapore đã dẫn đến sự gia tăng trong các nghi lễ đa tôn giáo. Tuy nhiên, điều này đôi khi cũng dẫn tới không ít xung đột. Vài năm trước, Ang đã đến dự đám tang của một người gốc Trung Quốc theo Đạo giáo. Con trai và con gái ông lần lượt cải sang đạo Cơ đốc và đạo Hồi, vì thế cả hai đã từ chối quỳ gối và dâng hương trong đám tang của cha. Điều này khiến mẹ họ phải kinh hãi.

Cuối cùng, chính người con rể Hồi giáo của người quá cố đã phá vỡ sự bế tắc và quỳ xuống để dâng hương. Con gái và con trai của người đàn ông đã khuất sau đó cũng làm theo.

Ang ủng hộ mạnh mẽ suy nghĩ mọi người nên lên kế hoạch cho đám tang của chính bản thân họ (tất nhiên, cô cũng đã lên kế hoạch cho riêng mình; cô muốn được chôn cất với đôi giày salsa mà cô yêu thích), đặc biệt là sau cái chết đột ngột của cha cô.

“Tôi đã gặp những trường hợp mọi người chỉ biết ngồi đoán với nhau, không biết người quá cố muốn gì. Họ sẽ nói: "Ồ, liệu mẹ có thích bộ quần áo này không?" Nhưng bạn sẽ có cảm giác tội lỗi này," cô nói.

Đối với Ang, công việc của cô với tư cách là giám đốc tang lễ không chỉ dừng lại ở việc đưa tiễn người đã khuất một cách trang nghiêm. Cô muốn thông qua công việc này để giúp những người còn sống vượt qua nỗi buồn của họ tốt hơn.

“Tôi tin rằng với một tang lễ tốt đẹp, thân nhân của người đã khuất sẽ vẫn đau buồn, nhưng ít có cảm giác day dứt hơn, bởi khi bạn cảm thấy hối tiếc, tất cả những sự day dứt đó sẽ sống mãi trong ký ức của bạn", cô nói.

“Có rất nhiều người tiếp cận tôi sau khi nghe các bài thuyết trình hay sau khi đọc cuốn sách của tôi và nói rằng: ‘Giá như tôi biết cô sớm hơn”. Tôi muốn giúp nhiều người không phải nói từ ‘giá như’ đó nữa.”

 theo Đỗ Hiền / cafebiz.vn - 23/10/2020

link nguồn: https://cafebiz.vn/chuyen-cua-nu-doanh-nhan-lam-trong-nganh-dich-vu-tang-le-20201023134129772.chn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chuyện của nữ doanh nhân làm trong ngành dịch vụ tang lễ

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc