top-banner-2

Thứ ba, 27/11/2018, 09:12 GMT+7

Chủ tịch của ba hãng ôtô bị 'truất ngôi' vì gian lận tài chính

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ ba, 27/11/2018, 09:12 GMT+7

Trước khi bị bắt hôm 19/11, Carlos Ghosn là chủ tịch của liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi, được Nhật Bản tôn sùng và mệnh danh 'sát thủ chi phí'.

Nhật Bản là đất nước ít thuê lãnh đạo các công ty là người nước ngoài vì tin tưởng văn hóa doanh nghiệp dưới tay mình. Nhưng Carlos Ghosn là trường hợp ngoại lệ. Đến Nhật gần 20 năm trước, người đàn ông được mệnh danh "sát thủ chi phí" này vực dậy công ty trên bờ vực phá sản là Nissan và kiến thiết nên liên minh ba hãng xe hơi Pháp-Nhật Renault-Nissan-Mitsubishi. Đây là thế lực ôtô hàng đầu thế giới với tổng doanh số 10,6 triệu xe bán được năm 2017. Con số này vượt nhà sản xuất xe hơi từng xếp số 1 đến đầu năm 2018 là Volkswagen (sở hữu các nhãn Volkswagen, Porsche, Audi...).

Ở Nhật, Carlos Ghosn là một huyền thoại sống và còn được đưa vào truyện tranh. Nếu nghi ngờ việc người ngoại quốc lãnh đạo công ty của họ, người Nhật lấy ông Ghosn ra như một minh chứng để bác bỏ. Tuy nhiên, đến nay sẽ khó cho họ tìm được ai đủ thuyết phục vì tượng đài Ghosn đã sụp đổ.

"Vua" ôtô 64 tuổi bị bắt hôm 19/11 với các cáo buộc gian lận tài chính và ít hôm sau bị "truất ngôi" chủ tịch Nissan.

carol

Trước khi bị bắt, Carlos đứng đầu liên minh ôtô lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN.

Sinh ra ở Brazil, lớn lên ở Lebanon, được giáo dục ở Paris và trở thành công dân Pháp, Carlos Ghosn cho rằng việc này giúp mình thích nghi nhanh với văn hóa mới. Ông làm việc ở hãng lốp Michelin danh tiếng 18 năm rồi gia nhập nhà xe Pháp Renault. Tại đây, bằng tài cắt giảm chi phí, Ghosn giúp hồi sinh hãng ôtô già cỗi còn bản thân nhanh chóng thăng tiến.

Khi Renault thâu tóm cổ phần và liên minh với Nissan năm 1999, "sát thủ chi phí" được cử đến để đưa một công ty Nhật bên vực phá sản kinh doanh có lãi trở lại – một việc được xem là bất khả thi. Thế nhưng, Ghosn thành công nhờ mạnh tay cắt bỏ hàng loạt nhà máy và 21.000 việc làm. Về Nissan hai năm, Ghosn lên ngôi CEO.

Đến năm 2005, ông tiếp tục được bầu làm CEO Renault, trở thành người đầu tiên trên thế giới là CEO của hai công ty trong danh sách Fortune Global 500. Năm 2016, đến lượt Mitsubishi gia nhập liên minh.

Ghosn được ca ngợi là "kiến trúc sư trưởng" của liên minh ôtô lớn nhất toàn cầu Renault-Nissan-Mitsubishi. Ông chứng minh việc chia sẻ nguồn lực và chi phí giữa các doanh nghiệp có thể làm nên một thế lực ngành ôtô. Ghosn kết hợp thành công một công ty trên đà phá sản, một nhà xe không đến từ quốc gia đình đám làm xe hơi là Pháp và "người tí hon" Mitsubishi.

Trước khi bị bắt, Ghosn là chủ tịch của cả Nissan, Renault và Mitsubishi, dù thôi chức CEO Nissan năm ngoái. Theo CNN, nhân viên ở mỗi hãng này phải báo cáo công việc cho ba CEO khác nhau nhưng Ghosn nắm tất cả.

Carlos Ghosn được nể trọng như một trong những nhân vật quyền lực nhất làng ôtô thế giới. Với bề dày 40 năm điều hành kinh doanh, ông thường xuyên dùng bữa với các nguyên thủ quốc gia và ngồi hàng ghế đại biểu Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tại công ty, nhân viên cũng muốn xin chữ ký vị chủ tịch tài ba.

Tượng đài sụp đổ

Mọi chuyện đổ bể khi Nissan tổ chức họp báo hôm 19/11, CEO Hitoro Saikawa công bố Carlos Ghosn bị bắt. Đây là kết quả cuộc điều tra nội bộ kéo dài từ vài tháng trước đó, sau khi một người trong Nissan phát giác. Kết quả buộc tội Ghosn: không kê khai đủ thu nhập, dùng tiền công ty vào mục đích cá nhân và báo cáo tài chính sai sự thật. Chủ tịch Nissan chỉ khai một nửa của thu nhập 88 triệu USD 5 năm qua.

CEO Hitoro Saikawa của Nissan cúi đầu xin lỗi vì bê bối. Ảnh: AP.

CEO Hitoro Saikawa của Nissan cúi đầu xin lỗi vì bê bối. Ảnh: AP.

Tiền của công ty được dùng mua hoặc thuê nhà xa hoa cho ông Ghosn ở các thành phố Rio De Janeiro, Beirut, Paris và Amsterdam. Trong đó, thủ đô Beirut của Lebanon hầu như chẳng liên quan gì đến việc kinh doanh của ba hãng xe. Các khoản này không được Ghosn kê trong thu nhập.

Công bố thông tin gây chấn động làng ôtô thế giới, CEO Saikawa phải gập mình xin lỗi vì bê bối xảy ra tại Nissan. Không nhắc đến công lao của Ghosn, thay vào đó, ông Saikawa vẽ nên bức tranh quyền lực tập trung quá nhiều vào tay một nhân vật với quá ít sự giám sát.

Ông nói: "Ngoài xin lỗi, tôi cảm thấy sự thất vọng, bực bội, mất niềm tin, giận dữ và phẫn nộ".

Chỉ vài ngày sau, Ghosn bị sa thải khỏi chức chủ tịch Nissan. Hãng xe Nhật còn lại là Mitsubishi cũng lập tức khẳng định sẽ thúc đẩy nhanh việc cho Ghosn thôi vị trí tương tự. Riêng người Pháp sốc trước tin CEO và chủ tịch của họ bị bắt, nhưng tiếp tục bày tỏ ủng hộ, và mới chỉ định quyền giám đốc điều hành trong khi chờ thêm chứng cứ luận tội.

Hiện số phận Ghosn và một nhân vật lãnh đạo thân cận khác cũng dính líu sâu là Greg Kelly nằm trong tay cơ quan hành pháp Nhật. Nếu bị kết tội, cựu chủ tịch Nissan có thể phải đối mặt mức án tới 10 năm tù.

Kể từ hôm bị bắt, ông Ghosn không thể được tiếp cận nhưng đài NHK đưa tin hôm qua, ông này phủ nhận việc dùng tiền công ty cho cá nhân.

Không nhiều lãnh đạo doanh nghiệp truyền cảm hứng cho truyện tranh Nhật Bản như Carlos Ghosn. Ảnh: Bloomberg.

Không nhiều lãnh đạo doanh nghiệp truyền cảm hứng cho truyện tranh Nhật Bản như Carlos Ghosn. Ảnh: Bloomberg.

Phơi bày bộ mặt quản trị ở một công ty Nhật

Nhiều năm trước, các cổ đông Nissan đã gặp nhau và bàn đến vấn đề thu nhập quá cao của vị chủ tịch, thậm chí đề cập những khoản bỏ túi mờ ám. Họ cho rằng nếu bớt lương của Ghosn, thậm chí có thể tránh việc phải cắt giảm việc làm của nhiều lao động khác. Nhưng tiền trả cho Ghosn tiếp tục cao bậc nhất so với mặt bằng lãnh đạo doanh nghiệp ở Nhật, và dựa riêng biệt trên chuẩn toàn cầu.

Theo Nikkei, các chuyên gia đánh giá vụ việc của Ghosn đổ bể là hệ quả của vấn đề quản trị tại Nissan.

Theo luật Nhật, các công ty cần có ít nhất hai thành viên ban quản trị ngoài nội bộ công ty để kiểm soát việc chỉ định nhân sự và lương lậu trong ban. Nhưng cho đến gần đây, Nissan chỉ có một, và người đó là Ghosn. Trên danh nghĩa, chủ tịch này là thành viên đến từ nhà xe Pháp nhưng thực tế, cái bóng của Ghosn lên Nissan quá lớn.

Dưới áp lực, năm 2018, Nissan đã có thêm hai thành viên quản trị từ bên ngoài nhưng là những người hoàn  toàn không có xuất thân điều hành doanh nghiệp. Keiko Ihara là tay đua xe hơi còn Masakazu Toyoda là cựu quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

Sau bê bối, cổ phiếu cả ba hãng xe đều lao dốc. Triều đại gần 20 năm của Ghosn tại Nissan sụp đổ gây lo ngại liên minh ôtô lớn nhất thế giới đổ vỡ. Nếu hoạt động độc lập, mỗi hãng xe khó cạnh tranh vì mất đi lợi thế chia sẻ chi phí mà ông thiết lập trước đây, đặc biệt khi thị trường xe hơi mở rộng thêm những thế lực như ôtô điện, xe tự lái.

Phía Nhật và Pháp đều khẳng định sẽ giữ vững liên minh. Chính phủ Pháp, một trong những cổ đông chính của Renault, cho thấy động thái sẽ thúc đẩy giữ gìn liên minh xe hai nước. Mặc dù vậy, sau sự việc, Nissan tỏ thái độ muốn đẩy bớt số lượng thành viên quản trị đến từ nước ngoài.

Hiện chưa biết số phận liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi sẽ đi về đâu, sau khi mắt xích Ghosn bị cắt đứt khỏi Nissan.

Theo Thanh Tùng/Ngoisao.net - 26/11/2018

Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/chu-tich-cua-ba-hang-oto-bi-truat-ngoi-vi-gian-lan-tai-chinh-3844768.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chủ tịch của ba hãng ôtô bị 'truất ngôi' vì gian lận tài chính

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc