Ba lần phá sản của ông chủ đế chế sản xuất chocolate Hershey's |
Viết bởi Phương Nhi |
Chủ nhật, 01/04/2018, 10:27 GMT+7 |
Sau ba lần trắng tay, ông chủ hãng chocolate Hershey's không bỏ cuộc để rồi cuối đời được cả nước Mỹ vinh danh. Milton S. Hershey bén duyên với nghề từ năm 15 tuổi, khi theo học người làm kẹo nổi tiếng tại quê nhà Lancaster, Pennsylvania. Dưới sự truyền dạy tận tâm của người thầy, Hershey tiến bộ rất nhanh, chẳng bao lâu sau ông đã thành thạo nhiều kỹ thuật nấu kẹo khó, nền tảng phát triển sự nghiệp những năm sau này. Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được coi là thời kỳ vàng của phát triển công nghiệp khi xuất hiện nhiều tỷ phú giàu lên từ khai khoáng, sản xuất tàu, khai thác dầu… Trong bối cảnh đó, chàng thanh niên Hershey lại nuôi mộng làm giàu từ những viên kẹo đường thơm ngậy. Milton S. Hershey từng ba lần phá sản trước khi thành công. Ảnh: India Today. Năm 1876, Hershey khởi nghiệp với 100 USD vay từ người dì. Có vốn, chàng trai trẻ mở cửa hàng bán kẹo nhỏ tại Philadelphia. Đứa con tinh thần đầu tiên được Hershey dành nhiều tâm huyết, làm việc bất kể ngày đêm. Theo đó, lịch của Hershey luôn là làm những mẻ kẹo lúc tối muộn và chở đi bán tại những nơi đông người sáng hôm sau. Hershey cho rằng: "Đây là cách tốt nhất để tôi giữ cho kẹo được thơm ngon khi đến tay khách hàng. Mỗi khách hàng đều xứng đáng có được sản phẩm tốt nhất". Suốt sáu năm sau, ông làm việc 15-16 tiếng chỉ để mọi người biết đến thương hiệu kẹo. Mọi chuyện diễn ra đều đặn cho đến tháng 2/1882, Hershey kiệt sức. Trong quá trình Hershey tĩnh dưỡng, cơ nghiệp ông xây dựng nhanh chóng gánh một khoản nợ lớn. Biến cố này khiến Hershey phải bán cửa hàng. Toàn bộ số tiền dư ít ỏi sau khi trả nợ được Hershey dùng để di chuyển tới Denver cùng người cha đào bạc, một trong xu thế làm giàu khi đó. Tên nhà sáng lập được in trên mỗi sản phẩm của Hershey's. Ảnh: Hershey's. Tuy nhiên niềm đam mê kẹo ngọt thôi thúc Hershey nghe theo tiếng gọi con tim. Trải qua một thời gian sống trong khu mỏ, ông nhận ra cuộc đời mình phải trở thành nhà sản xuất kẹo vĩ đại chứ không phải người thợ đào với đôi tay thô như cha kỳ vọng. Rời công trường khai thác bạc, Hershey xin làm việc tại một tiệm kẹo địa phương để có vốn liếng thực hiện tham vọng. Tại đây ông chứng kiến cách bảo quản kẹo lâu hơn bằng việc cho sữa bò vào caramel. Điều này được ví như một trong những bước ngoặt trong sự nghiệp của Hershey. Phát hiện mới khiến Hershey nôn nóng muốn thực hành ngay. Không bao lâu sau, ông rời Denver chuyển đến Chicago, khai trương một cửa hàng bán kẹo. Tuy nhiên thất bại vẫn cứ đeo bám chàng thanh niên nhiều hoài bão, quán đóng cửa do gặp nhiều bất lợi trong kinh doanh. Hershey's liên tục ra mắt nhiều sản phẩm mới. Ảnh: Pinterest. Thất vọng nhưng không từ bỏ, Hershey chuyển đến thành phố New York và lần thứ ba mở cửa hàng bán kẹo. Mặc dù rất cố gắng nhưng cửa hàng của Hershey một lần nữa rơi vào khó khăn khi liên tục mất tiền. Hershey lại phá sản. Sau một chuỗi thất bại, Hershey vẫn chưa chịu gục ngã. Lần này, ông không tìm cách mở cửa hàng mới ngay mà quyết định trở về quê tìm sự giúp đỡ. Tuy nhiên thay vì sự ủng hộ, Hershey chỉ nhận được những cái lắc đầu của người thân, không ai tin Hershey có thể làm nên nghiệp lớn. Rất may sau đó, Hershey được bạn bè và đồng nghiệp cũ tin tưởng giúp đỡ nhiệt tình. Trong số đó có Henry Lebkiche, một người bạn lâu năm đã cho Hershey tá túc và vay tiền để chuyển thiết bị làm kẹo từ thành phố New York về quê. Cặp đôi nhanh chóng trở thành những cộng sự tuyệt vời và cùng thành lập công ty sản xuất kẹo Lancaster. Bằng kinh nghiệm và kiến thức đúc kết được, Hershey cho rằng nếu cho sữa tươi vào quá trình sản xuất kẹo sẽ tạo nên một sản phẩm ấn tượng. Đúng như mong đợi, sự phá cách đã giúp tạo nên loại kẹo có hương vị đặc trưng thơm ngậy, được ông đặt tên là Hershey's Crystal A. Sản phẩm mới nhanh chóng trở nên nổi tiếng và thu hút sự chú ý của một nhà nhập khẩu người Anh. Sau một lần dùng thử, vị này quyết định đặt một lượng hàng lớn và cho Hershey vay 250.000 USD để mở rộng kinh doanh. Năm 1893, công việc làm ăn phát đạt khiến Hershey có ý định mở rộng quy mô sản xuất. Ông liên tục thành lập nhà máy tại nhiều thành phố của Mỹ, tạo việc làm cho 1.300 công nhân. Sự cố gắng, hy sinh của Hershey cuối cùng đã được đền đáp, khởi đầu cho chuỗi kinh doanh thành công những năm sau đó. Nhà máy Hershey's là nơi làm việc giúp công nhân cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Ảnh: Hershey's. Trong một cuộc triển lãm văn hóa tại thành phố Chicago, Hershey vô tình nhìn thấy cách người Đức làm chocolate. Khoảnh khắc ấy giúp Hershey có thêm ý tưởng kinh doanh. Ngay lập tức, Hershey quay sang nói với một người bạn: "Tôi sẽ làm chocolate". Sau một năm thử nghiệm không ngừng, Hershey đã tìm ra hương vị chocolate ưng ý. Ngay sau đó, thương hiệu Hershey Chocolate ra đời với 114 hương vị. Những sản phẩm này nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu, đưa tên tuổi Hershey lên một tầm cao mới, đặc biệt sản phẩm chocolate sữa trở thành một trong những món ăn vặt được trẻ em và người lớn toàn thế giới yêu thích. Lúc này định hướng kinh doanh của Hershey thay đổi, ông chỉ muốn chú tâm sản xuất chocolate. Do đó người làm kẹo đến từ Pennsylvania đã bán công ty đang phát triển với giá một triệu USD và thành lập một doanh nghiệp sản xuất chocolate mang tên mình. Số tiền này đủ giúp ông thực hiện giấc mơ ngọt ngào ấp ủ. Được truyền cảm hứng bởi những chuyến phiêu lưu và cuộc sống tự do, Hershey muốn xây nhà máy không chỉ là nơi sản xuất chocolate thượng hạng mà còn là nơi công nhân có thể sống, làm việc, vui chơi trong niềm vui và hạnh phúc. Theo đó, Hershey lựa chọn xây nhà máy mơ ước tại Pennsylvania, nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Năm 1903, nhà máy của Hershey đi vào vận hành với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, giúp sản xuất những viên chocolate chất lượng với chi phí phải chăng. Bên cạnh đó, thành phố thu nhỏ Hershey xây cho công nhân được nhiều người khen ngợi vì sự ấn tượng. Toàn bộ ngôi nhà trong thành phố thu nhỏ này được cho thuê với chi phí thấp nhưng đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra còn có trường học, cửa hàng bách hóa, hệ thống xe đẩy, nhà thờ, thư viện, bệnh viên, vườn thú, nhà hát ngoài trời… cùng hệ thống giao thông gồm hai đại lộ chính là Chocolate và Cocoa. Sự tử tế của Hershey với công nhân nhanh chóng đồn xa. Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng những năm 1929, Hershey là một trong số ít người không sa thải lao động để cắt giảm chi phí. Sau sự kiện này, nhiều công nhân trong nhà máy bày tỏ nguyện vọng muốn làm việc cho Hershey cả đời. Nhờ sự đồng cam cộng khổ của người chủ và lao động, công ty đã vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển. Thời gian này, Thế chiến thứ hai bùng nổ. Hershey ngay lập tức có ý tưởng tưởng tạo nên những thanh dinh dưỡng nhỏ gọn nhưng chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu để giúp người dân vượt qua thời điểm thiếu lương thực. Sản phẩm thiết thực này nhanh chóng được đón nhận và Hershey được cả nước Mỹ tôn vinh. Cứ như vậy, Hershey đưa đế chế sản xuất chocolate vượt qua nhiều khó khăn và phát triển cho đến năm 1944, ông xin về hưu khi còn nắm giữ vị trí chủ tịch ở tuổi 87. Trở về với thú vui điền viên, Hershey vẫn không ngừng đam mê sáng tạo nên sản phẩm mới từ các loại rau củ. Cuộc sống cuối đời của Hershey ngập trong những nghiên cứu để rồi một năm sau đó, Hershey qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. Ngày đưa Hershey về cõi thiêng trở thành một trong những đám tang đông người nhất lịch sử. Trong buổi lễ, Chủ tịch Ngân hàng City Bank đã tôn vinh ông như một người cống hiến hết mình cho công việc, xã hội. "Một người đáng trân trọng", ông nói. Theo Huyền Trang - ngoisao.net -,01/04/2018 (Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/ba-lan-pha-san-cua-ong-chu-de-che-san-xuat-chocolate-hershey-s-3730088.html) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|