Doanh nghiệp, người dân và nhà nước phải cùng chống thực phẩm bẩn |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ sáu, 19/01/2018, 15:30 GMT+7 |
Để đẩy lùi thực phẩm bẩn, cần phải lấp những "lỗ hổng" trong quản lý và gắn trách nhiệm vào người sản xuất, tiêu dùng... “Lỗ hồng” trong quản lý thực phẩm Chia sẻ tại buổi tọa đàm về cuộc chiến chống thực phẩm bẩn diễn ra ở Hà Nội chiều 18/1, ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, vấn nạn thực phẩm bẩn đã được Quốc hội đánh giá là một trong những "trận chiến" lớn của Việt Nam. Theo ông Huỳnh, để đẩy lùi thực phẩm bẩn, cần mở đầu từ các doanh nghiệp và lắng nghe ý kiến người tiêu dùng. Ông Trần Hữu Huỳnh Ông Huỳnh cũng chỉ rõ các nguyên nhân tình trạng thực phẩm bẩn vẫn còn diễn ra như: sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm; công nghệ chế biến lạc hậu; thu hồi xử lý thực phẩm chưa nghiêm; môi trường sản xuất chưa an toàn; quy hoạch vùng sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ; chế tài xử lý chưa răn đe; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa tốt; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường... Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, thực trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc dư luận. Nhất là khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào bởi thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường. Theo ông Thái, hiện nay cơ sở để căn cứ xác định hàng giả vô cùng khó khăn. Sáu năm qua mới chỉ khởi tố được một vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Thái nêu thực tế: Khi kiểm tra ở chợ Kim Biên tại TP HCM thấy bày bán công khai hoá chất, các chất kích thích cây cối mọc nhanh, tẩy hàng ôi thiu, hương liệu pha chế đồ uống... Các tư thương dùng hoá chất để ướp tẩm thực phẩm, biết là rất hại nhưng khi bắt giữ người sai phạm thì không xử lý được vì chưa có chế tài. Gắn trách nhiệm vào người sản xuất Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ Nguyễn Văn Cường cho rằng, có nhiều con số đáng nghi ngại về việc nhập hóa chất, nhất là những hóa chất có hại. Tại Việt Nam, việc quản lý hóa chất đang có nhiều vấn đề, từ đó người dân sẽ lạm dụng việc sử dụng hóa chất. Thực phẩm bẩn vẫn tiếp diễn trên thị trường (Ảnh minh họa: KT) Do đó, theo ông Cường, cần quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, đồng thời phải truy xuất rõ nguồn gốc mới chống được thực phẩm bẩn và gắn được trách nhiệm của người sản xuất. Ở góc độ nông nghiệp sạch và hữu cơ, ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, hiện tại mới chỉ quan tâm tới khâu cuối cùng đó là khâu tiêu dùng. Khi nói tới an toàn thực phẩm, cần phải nói tới chuỗi thực phẩm vì nó tồn tại qua các khâu như sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng. Ông Thanh lưu ý, cần phải giải quyết tốt khâu đầu tiên – khâu sản xuất – để giải quyết được gốc của vấn đề an toàn thực phẩm. Bà Nguyễn Thùy Dương – Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart cho biết, bản thân các nhà cung cấp khá “căng thẳng” khi đưa được hàng vào siêu thị bởi sản phẩm phải thông qua quy trình siêu thị đưa ra như kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thực tế sản phẩm, nhà máy, cơ sở sản xuất và kiểm tra đột xuất,… Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Bùi Bích Liên - Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM cho rằng, nên chú trọng công tác truyền thông để thay đổi nhận thức khi sản xuất thực phẩm sạch góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường. Bà Bùi Bích Liên Để sản xuất thực phẩm sạch, bà Liên cho rằng cái khó là chưa có một bộ quy chuẩn cụ thể. Nếu không có bộ quy chuẩn chung sẽ không có một tiêu chí đánh giá nhất quán và bản thân người sản xuất và tiêu dùng cũng không nắm được. Đồng quan điểm với bà Liên, ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Cty TNHH Ba Huân Hà Nội cho rằng, vấn đề chống thực phẩm bẩn cần giải quyết đồng bộ từ cơ quan chính quyền, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm sạch, cần có biện pháp ngăn ngừa sản phẩn bẩn xuất hiện trên thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất sạch, ban hành quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch muốn có thương hiệu phải đưa lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu thì mới thành công. Về phía người tiêu dùng phải nhận thức được sản phẩm của mình và thay đổi được thói quen người tiêu dùng, ông Hùng nhấn mạnh. Ông Phạm Thanh Hùng Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt cho biết, trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn, nguồn bẩn xuất phát từ đâu thì phải trị từ đó. Mong cơ quan quản lý xử lý được vấn đề đó để doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trên thị trường. Theo Trần Ngọc - vov.vn - 19/01/2018 Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nguoi-dan-va-nha-nuoc-phai-cung-chong-thuc-pham-ban-720468.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|